Căng thẳng Trung Quốc-Australia leo thang gây áp lực lên các nhà nhập khẩu

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 314
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Căng thẳng leo thang giữa Australia và Trung Quốc đã đẩy các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước vào nguy cơ phải đối mặt với rủi ro thương mại, đồng thời gây áp lực kép lên những công ty vốn đang rất khó khăn do phải đối phó với nguồn cung nguyên liệu thất thường, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tới sản xuất và vận chuyển.
eight_col_139817700_l.jpg


Trong vài tháng gần đây, phía Trung Quốc đã liên tiếp tạo ra các rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Australia, như áp thuế chống bán phá giá lên tới hơn 80% đối với mặt hàng lúa mạch, cấm nhập khẩu sản phẩm thịt bò của 5 công ty chế biến hàng đầu Australia và mới đây nhất là tuyên bố điều tra vi phạm thương mại đối với rượu vang nhập khẩu của "xứ chuột túi".

* Thực trạng mối quan hệ giữa hai nước

Mặc dù Canberra khẳng định sẽ không có màn "trả đũa thương mại" với Bắc Kinh, nhưng một bài báo mới đây nhất của The Australian Financial Review (AFR) cho biết, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang rất lo ngại về việc sẽ bị đánh thuế lên tới hơn 90% đối với một số mặt hàng phục vụ cho ngành công nghiệp xây dựng.

Ông Paul Zalai, Giám đốc Liên minh Vận tải & Thương mại - Tổ chức đại diện cho các nhà nhập khẩu Trung Quốc, cho biết các cuộc điều tra bán phá giá do Australia khởi xướng từ đầu năm nay, nhằm vào sản phẩm của Trung Quốc như các loại ống, sản phẩm nhôm, tấm lợp bằng thép và tấm tường panel... Ông nói các nhà sản xuất Australia đang tìm kiếm sự ủng hộ của chính phủ cho một mức thuế chống bán phá giá lên tới hơn 90%. Đây là mức thuế cao nhất hiện nay được áp dụng cho các sản phẩm thép và nhôm của Trung Quốc. Nếu mức thuế mới được áp dụng, các nhà nhập khẩu sẽ buộc phải tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm của Trung Quốc, do giá thành trở nên cao quá mức chấp nhận được.

Thông tin từ một số luật sư thương mại nhận định cuộc điều tra chống bán phá giá nói trên khó có khả năng kết thúc trước năm 2021, song một mức thuế chống bán phá giá tạm thời có thể được áp dụng ngay trong vòng hai tháng tới.

Russell Wiese, đối tác của Công ty Luật Hunt&Hunt, nói: "Mối đe dọa tiềm ẩn về thuế chống bán phá giá đã gây ảnh hưởng tới thương mại Trung Quốc-Australia". Ông dẫn chứng một số nhóm kinh doanh hiện đã sử dụng căng thẳng thương mại giữa hai nước để đe dọa các đối thủ cạnh tranh rằng thuế nhập khẩu sẽ tăng. Ông tiết lộ ít nhất hai công ty Australia đang sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị các đối thủ "bại trận" trong các cuộc chiến đấu thầu đe dọa điều tra chống bán phá giá. Ông nói: "Kiểu hành vi như vậy sẽ khiến các nhà nhập khẩu Australia ngần ngại sử dụng hàng hóa của Trung Quốc để cạnh tranh lại với chính các nhà sản xuất trong nước".

Cựu Chủ tịch Bernie Brookes của Tập đoàn Myer, một trong hai tập đoàn kinh doanh thương mại và bán lẻ lớn nhất Australia, chia sẻ rằng động thái tạm hoãn các đơn đặt hàng để nghe ngóng tình hình hay ngần ngại ký các hợp đồng nhập khẩu với bạn hàng Trung Quốc... đang trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng các nhà kinh doanh Australia. Ông Brookes nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, tuyến cung ứng hàng hóa ra khỏi Trung Quốc đang trở nên thất thường và kém nhất quán hơn so với trước đây".

Colette, một trong những thương hiệu thời trang chuyên kinh doanh các loại túi xách và trang sức do ông Brookes sở hữu trước đây, chủ yếu đặt hàng gia công và nhập khẩu từ Trung Quốc song do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến số lượng tàu biển chuyên chở hàng hóa từ Trung Quốc ra quốc tế bị thu hẹp, việc vận chuyển hàng hóa của Colette đã gặp khó khăn. Hiện thương hiệu này phải lên kế hoạch dài hơn ít nhất một tuần cho thời gian nhập khẩu hàng mới từ Trung Quốc. Ông Brookes chia sẻ: "Colette có 8 nhà cung cấp chính ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một lượng lớn đơn đặt hàng vẫn đang bị tồn đọng. Trong thời gian tới công ty sẽ phải xây dựng lại lịch trình nhập khẩu, kéo dài thêm thời gian cho toàn bộ hệ thống cung cấp đầu vào".

Mặc dù vậy, ông Brookes phủ nhận rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và Australia là tác nhân gây khó khăn cho nguồn cung ứng. Ông nói: "Chúng tôi không thấy bất kỳ sự thù địch nào". Nhưng ông cũng xác nhận, để đối phó với những rủi ro tiềm năng, trong tương lai Colette dự kiến sẽ mở rộng nguồn cung ứng hàng hóa sang một số quốc gia khác như Ấn Độ hoặc châu Phi.

* Sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc

Dù vậy, các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc khá hạn hẹp. Julius Wei, nhà đồng sáng lập của Công ty quản lý và tư vấn tài sản BMY, cho biết, Chính phủ Australia nên xem xét những thiếu hụt không thể bù đắp được trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nếu căng thẳng thương mại gia tăng. Ông Wei nói: "Có những thứ mà không một quốc gia nào có thể tìm được giải pháp để thay thế [khi nói đến hàng hóa xuất nhập khẩu]. Rất nhiều các kệ hàng của Kmart (siêu thị đồ gia dụng phổ biến tại Australia) và một số siêu thị hàng thể thao khác đã trở nên trống rỗng - mọi người không nhận ra rằng họ bị phụ thuộc nhiều như thế nào vào các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc".

Theo ông Wei, mặc dù Australia nên cố gắng và đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình trong hai đến ba thập kỷ tới, nhưng rất khó để tìm được nhà cung cấp thay thế Trung Quốc với mức giá hàng hóa tương tự trong ngắn hạn. Ông khẳng định: "Các lựa chọn là rất hạn hẹp... Nếu bạn muốn một mức giá hợp lý, bạn sẽ phải tìm kiếm tại những nền kinh tế mới nổi và các lựa chọn thay thế thực tế là ở Đông Nam Á hoặc Nam Á".

Ông Wei cảnh báo một số quốc gia thậm chí ở trong tình trạng bất ổn chính trị cao hơn Trung Quốc và không có được một chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn chỉnh tại địa phương. Ông nói: "Với mối quan hệ kinh tế gắn kết chặt chẽ, tôi không nghĩ rằng ý định tách rời nhau là một thực tế tốt cho cả Trung Quốc và Australia".

AFR đã đặt một số câu hỏi liên quan đến nguồn cung ứng hàng hóa Trung Quốc cho hai tập đoàn siêu thị khổng lồ của Australia là Coles và Woolworths. Mặc dù, đại diện của Coles đã từ chối bình luận, song ông cho biết việc vận chuyển hàng nhập khẩu từ các thị trường quốc tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn vì sự gián đoạn toàn cầu. Trong khi, đại diện của BIG W, một thương hiệu con của tập đoàn siêu thị Woolworths, nói họ chưa gặp phải tình trạng chậm trễ về "nguyên liệu" đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Nhìn chung, trên thị trường xuất nhập khẩu Australia, các công ty có mối giao thương với những "bạn hàng" Trung Quốc đang rất thận trọng khi bình luận về sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai nước.

Giáo sư Rico Merkert, Trưởng khoa Vận tải và Hậu cần tại Đại học Sydney, giải thích rằng nếu muốn gây áp lực cho các doanh nghiệp Australia, Trung Quốc có thể làm chậm quá trình thông quan đối với hàng hóa đến và đi từ Australia, dẫn đến việc kéo dài thời gian vận chuyển của các thành phần được sử dụng trong chuỗi cung ứng. Điều này thậm chí có thể lặp đi, lặp lại.

Tuy nhiên, Giáo sư cho rằng Trung Quốc và Australia đều cần nhau vì Trung Quốc là đối tác nhập khẩu phần lớn quặng sắt của Australia và là "đích đến" của 1/3 lượng hàng nông sản xuất khẩu "xứ sở chuột túi". Trong khi ở chiều ngược lại, Australia phụ thuộc vào khách du lịch và các nhà sản xuất Trung Quốc.

Giáo sư Merkert nói: "Về lâu dài, cả hai nước đều không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ thương mại của họ và sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để cùng tìm kiếm lợi nhuận từ mỗi bên".

Ông tin rằng Trung Quốc và Australia vẫn nhận thức về việc cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp, ít nhất về mặt thương mại. Tuy nhiên, về mặt chính trị, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác vào thời điểm hiện nay.
 
Bên trên