Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thay đổi như thế nào khi ông Abe từ chức?

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 248
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Theo Global Times, BBC, Sputnik

Ngày 28/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe. Sự thay đổi nhân vật đứng đầu nội các Nhật Bản có ý nghĩa gì đối với chính sách đối ngoại của đất nước này?

Mặc dù không có quy định rõ ràng trong bất kỳ văn bản pháp quy nào, nhưng cả thế giới đều hiểu rằng nhân vật chính trong Nhà nước Nhật Bản là Thủ tướng. Nhật hoàng là biểu tượng của dân tộc quốc với vai trò hoàn toàn mang tính nghi lễ. Bộ Ngoại giao thực hiện đường lối đối ngoại do đảng cầm quyền vạch ra và thủ lĩnh của đảng đó đương nhiên là Thủ tướng. Vì vậy, đường lối chính sách đối ngoại của đất nước Nhật Bản được thể hiện trong các bài phát biểu của Thủ tướng và qua các cuộc tiếp xúc, các cuộc gặp quốc tế của người đứng đầu nội các, trong khi Nhật hoàng hiếm khi công du nước ngoài.

1598864399701.png

Tiến sỹ John Nilsson-Wright từ Viện nghiên cứu Chatham & Đại học Cambridge nhận xét, trong những năm cầm quyền, Thủ tướng Abe đã nâng cao vị thế toàn cầu của đất nước, hiện thực hóa lợi ích quốc gia bằng cách làm hài hòa tham vọng chính đáng với vai trò là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc của ông Abe chủ yếu tập trung vào nội địa. Ngược lại, trong các vấn đề đối ngoại (dù là trong chính sách an ninh hay kinh tế), ông Abe là một người theo chủ nghĩa thực dụng.

Theo chuyên gia này, ông Abe đã củng cố các liên minh hiện có (đáng chú ý nhất là với Mỹ) và phát triển quan hệ đối tác mới với các bên trong khu vực và toàn cầu, cả các nền dân chủ và các chế độ toàn trị, độc lập với khuynh hướng ý thức hệ của các nước đó. Việc đổi mới chính sách đối ngoại của ông Abe được kết hợp với một loạt sáng kiến thương mại song phương và đa phương mà Thủ tướng đã phải đối đầu với các đơn vị bầu cử chính trị chủ chốt trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Abe xây dựng quan hệ cá nhân rất tốt với Tổng thống Mỹ Donald Trump và củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, bất chấp việc Tổng thống Mỹ đã cố gắng rút sự hiện diện khỏi Nhật Bản để buộc nước này chia sẻ một phần lớn hơn gánh nặng an ninh.

Ông đóng vai trò quyết định trong việc củng cố Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà sau này đổi tên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đàm phán thành công một hiệp định thương mại đột phá với Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019; và đàm phán một số thỏa thuận tài chính và phát triển với Trung Quốc trong năm 2018.

Tiến sỹ John Nilsson-Wright cho rằng ông Abe có lý khi vẫn nhận thức sâu sắc về mối đe dọa địa chiến lược do Trung Quốc gây ra nhưng không để thực tế này ngăn chặn các cơ hội hợp tác với Trung Quốc. Trong khi đó ông Abe, theo học giả này, nên được ghi nhận là người thành công trong việc duy trì mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Donald Trump và vì ông đã sử dụng ngoại giao như một công cụ để đối phó một số chiến thuật áp đảo của Tổng thống Mỹ.

Tiến sỹ John Nilsson-Wright nhận định ông Abe là một nhà sáng tạo về sách lược ngoại giao và thể hiện năng lực tư duy chiến lược đánh dấu sự khác biệt rõ rệt so với các thủ tướng tiền nhiệm, những người thường phản ứng với các sự kiện bên ngoài hoặc có xu hướng thụ động đi theo sự dẫn dắt của Washington.

Ngoài ra, những nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ là rất đáng khen ngợi. Quan hệ Nhật Bản-Việt Nam đã được đưa lên hàng đầu, trong khi quan hệ Ấn Độ và Nhật Bản được mở rộng lên một tầm cao mới. Hoạt động thương mại, đầu tư, liên doanh, liên kết, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giữa Nhật Bản và Ấn Độ đều ghi nhận tăng trưởng, trong khi hợp tác quốc phòng song phương trở nên rất sâu sắc. Hai nước sẽ sớm ký Thỏa thuận về Tiếp Nhận và Cung ứng Dịch vụ Hỗ tương (ASCA). Một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép các nước thuộc Liên minh Bộ tứ (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) chia sẻ hậu cần theo một tầm nhìn chiến lược chung.

Dù vậy, ông Abe cũng có một số thất bại về chính sách đối ngoại. Thủ tướng Abe đã không thể giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Nga, dẫn tới việc hai nước chưa thể ký hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông cũng không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản vào những năm 1970, một lời hứa mà ông đã đưa ra với gia đình những người bị bắt cóc.

Thủ tướng Abe cũng không thể có cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mặc dù ông Kim đã có các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Nga Vladmir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính quyền của Thủ tướng Abe cũng vướng vào một cuộc đấu khẩu gay gắt với Hàn Quốc và không thể giải quyết vấn đề nô lệ tình dục vốn đã lan sang các mối quan hệ kinh tế.

Ngay lúc này đang diễn ra cuộc bàn luận về việc ai sẽ thay thế ông Shinzo Abe ở chức vị Thủ tướng Nhật Bản. Phần lớn những danh tính nêu lên đều không xa lạ gì với người Nhật và giới quan sát viên nước ngoài. Về cơ bản đó là các thành viên nội các của ông Shinzo Abe. Ví dụ Ngoại trưởng đương chức Toshimitsu Motegi hoặc người tiền nhiệm của ông này trong những năm 2012-2017, ông Fumio Kishida. Trong các ứng viên tiềm năng có cả Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản hiện tại, ông Taro Kono.

Tất cả các chính trị gia này đều cùng một đảng, đã hoặc đang làm việc trong cùng một nhóm dưới sự lãnh đạo của ông Shinzo Abe, và khó có khả năng tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong đường lối đối ngoại của Nhật Bản. Mặc dù cũng cần thừa nhận rằng mỗi chính khách vẫn có phong cách hành xử riêng, ý tưởng riêng của họ về vấn đề cụ thể này hay sự kiện khác, nhưng trong trường hợp này nếu có thay đổi dường như chỉ là đôi chút sắc thái, những khoảnh khắc phi nguyên tắc.

Chẳng hạn, ông Shinzo Abe luôn được coi là tích cực trong cuộc đàm phán với Nga về vấn đề hiệp ước hòa bình giữa hai nước. Ông đã hơn 20 lần gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vấn đề vẫn còn đó không được giải quyết. Tuy nhiên, tất cả các chính trị gia Nhật Bản đều đưa nội dung "lãnh thổ phương Bắc" này vào chương trình nghị sự về quan hệ với Nga. Trước ông Abe đã là như vậy, và sau này cũng không thay đổi.

Giới quan sát lưu ý quan hệ của Nhật Bản với Mỹ sẽ không thay đổi trong nội dung chính và bảo tồn liên minh quân sự-chính trị của hai nước. Mặc dù xuất hiện những sự không chắc chắn song quan hệ hai nước đồng minh này về cơ bản sẽ không thay đổi. Hiện tại, quan hệ liên minh Mỹ-Nhật vẫn đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, vốn vẫn e ngại các nước láng giềng. Trước hết, là Trung Quốc, đất nước tỷ dân đã vượt Nhật Bản về sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự. Tokyo lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc, bởi quan hệ Nhật-Trung còn nhiều phức tạp. Bên cạnh đó, quan hệ của Tokyo với Bình Nhưỡng và Seoul chịu ảnh hưởng bởi gánh nặng và bóng ma quá khứ. Vẫn như trước, Bình Nhưỡng có thể de dọa Tokyo bằng những vụ phóng tên lửa. Do đó, vấn đề giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ là mục không thể thiếu trong chương trình nghị sự ngoại giao tiềm năng của tân Thủ tướng Nhật Bản tới đây.

Với phần lớn các nước châu Á, Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác. Chính phủ Nhật Bản quan tâm đến các nước ASEAN - địa bàn quan trọng của dòng vốn đầu tư Nhật Bản. Các nước vùng Trung Đông và châu Phi tiếp tục bảo lưu ý nghĩa đối với Nhật Bản như là những thị trường nguyên liệu thô như dầu mỏ mà Nhật Bản luôn cần. Do đó, ngoại giao Nhật Bản dự kiến sẽ cố gắng đạt những tiến bộ kế tiếp ở những khu vực này.
 
Bên trên