“Chú ngựa thành Troy” của Mỹ dành cho khu vực Mỹ Latinh

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 484
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Theo mạng tin Sputnik, sáng kiến “châu Mỹ tăng trưởng” được Washington tung ra vào năm 2019 và có một định dạng rất theo phong cách của Tổng thống Trump, đó là trơn tru, súc tích và không cần phải qua thương lượng giữa các bộ ngành trong chính phủ, cũng không cần phải tham vấn nghị viện, và càng không dính dáng tới những bộ phận nào đó của xã hội dân sự.

Và cũng đúng như sở thích của vị Tổng thống nước Mỹ, cơ chế nhằm tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ tại Mỹ Latinh và Caribe này chỉ yêu cầu việc ký kết một Bản ghi nhớ (MoU), trong đó thể hiện rằng chính phủ đối tác đã cam kết sẽ tuân thủ một định hướng lộ trình do các tổ chức và cơ quan Mỹ vạch ra.

* Phạm vi rộng mở hơn FTA

Lộ trình của sáng kiến “châu Mỹ tăng trưởng” sẽ không bao gồm các cuộc thương lượng dai dẳng mà các hiệp định tự do thương mại (FTA) đòi hỏi để cải thiện cán cân thương mại, giành giật những hợp đồng nhà nước béo bở, thực hiện những thay đổi pháp lý và nói chung là để làm cho lợi ích của Mỹ phù hợp với khung đầu tư của các nước đối tác.

Nhưng ngay cả như vậy, dường như sáng kiến này còn tham vọng hơn cả chính những FTA – một định dạng mà bản thân ông Donald Trump cũng không mấy thích thú, và cũng không phải vô cớ mà ông chôn vùi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để áp đặt luật chơi của riêng mình trong phiên bản mới USMCA.

Ngoài ra, lịch sử nước Mỹ đã chỉ ra những bài học lịch sử về sự phản kháng của xã hội dân sự Mỹ Latinh, mà trong nhiều năm sự đối đầu đối với các hiệp định đó đã gây ra nhiều vấn đề không chỉ cho Chính phủ Mỹ, mà còn cho cả chính các nhà cầm quyền tại các nước Mỹ Latinh.

Tổng thống Trump và đội ngũ của ông cũng không muốn bị hạn chế trong những luật chơi của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính vì thế, ông đã tìm ra định dạng mới này, mà có vẻ như đang mang lại hiệu quả cho họ, khi mà những chính phủ đã ký kết (chứ không phải thương lượng) với Mỹ này đang bị khuất phục trước ý chí của vị Tổng thống doanh nhân gốc New York.

Thông qua “châu Mỹ tăng trưởng”, Mỹ và các chính phủ trong khu vực, gồm Argentina, Chile, Jamaica, Panama, Colombia, Ecuador, Brazil, El Salvador, Honduras và mới đây là Bolivia, đã đưa ra một cam kết ngoại giao cấp cao rằng sẽ thực hiện một nghị trình do các tổ chức và cơ quan Mỹ cùng những đơn vị xúc tiến kinh doanh tương đương tại các nước đối tác vạch ra.

Nội dung các MoU bảo trợ cho “châu Mỹ tăng trưởng” được ví như một “tay nải” lớn có thể chứa đựng tất cả những gì mà chính phủ đối tác “dám” cam kết, trong khi nhân dân không hề biết và vẫn “đắm chìm” trong tình trạng cách ly hỗn loạn, phải đấu tranh vì cái ăn trong nỗi sợ hãi đại dịch.

Có thể thấy trước, với “châu Mỹ tăng trưởng”, nước Mỹ đã có cơ chế để định hướng những khoản đầu tư của các chính phủ đối tác vào các hạ tầng cơ sở cỡ lớn, hữu dụng cho lợi ích của “chú Sam”, nơi sẽ có những dự án năng lượng, khí đốt, lithium hay thủy điện cỡ lớn.

* Hai yếu tố cơ bản

Trong định dạng mà Mỹ áp dụng có hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất, việc ký kết MoU cho phép né tránh, ít nhất là trong thời điểm này, việc phải trình lên Nghị viện các hiệp định hay thỏa thuận, những văn kiện mà theo hiến pháp của một số nước phải được thông qua bằng bỏ phiếu tại các cơ quan lập pháp này, hay thậm chí là qua trưng cầu dân ý. Cơ chế pháp lý của MoU cho phép tránh được các hoạt động kiểm soát này. Trong khi đó, đây không chỉ là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ, mà về cơ bản là một cam kết của các chính phủ trong việc ưu tiên, tham vấn và phối hợp với Washington cùng các cơ quan của Mỹ trong những vấn đề then chốt về đầu tư.

Điểm thứ hai, đây là một tín hiệu không chỉ mang tính đối ngoại, mà chủ yếu là đối nội, vì nó áp đặt, hay ít nhất là cũng đặt ra xu hướng cho các khoản đầu tư nước ngoài vào mỗi nước. Tính “nghệ thuật” của các bản ghi nhớ này là có vẻ bề ngoài vô hại và không gây chú ý, vì khác với các hiệp định và thỏa thuận, không phải nguyên thủ là người ký kết, mà chỉ một Bộ trưởng là người đứng ra đảm bảo cam kết cho cả một Nhà nước.

Ở đây cần cảnh báo về cả quy mô lẫn những lĩnh vực nhạy cảm mà cơ chế MoU có thể liên đới, cũng như những thỏa thuận có thể phát sinh từ bản ghi nhớ định hướng này. Các nghị viện có thể và cần tham vấn cũng như đưa ra cảnh báo cần thiết để tránh việc những khoản đầu tư hay bản thảo các dự án chiến lược trong tương lai được lập trình sẵn từ phương Bắc.

Cũng không nên quên rằng khi nước Mỹ nói về “thực hành tốt” và “tính minh bạch”, trên thực tế, họ đang nói việc triển khai những quy định của chính họ ra ngoài biên giới nước Mỹ. Tương tự, cũng cần chú ý tới những đề tài, chính sách quan trọng khác được đề cập trong MoU như việc Mỹ hỗ trợ nước đối tác để “cải thiện khung quy định và những cấu trúc chi tiêu để thỏa mãn nhu cầu tài chính của các dự án với nguồn lực hạn chế”.

Trên thực tế, đây là một đề tài có tầm quan trọng sống còn đối với nhiều quốc gia. Tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới, chính phủ cũng là nơi thực hiện những hợp đồng mua sắm lớn nhất, và vì thế chủ đề này đáng được quan tâm đặc biệt, khi đây là một cơ chế quan trọng để thúc đẩy công nghiệp và các doanh nghiệp trong một vài lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, đáng tiếc đây cũng thường là những nơi diễn ra tình trạng tham nhũng, và do vậy cần luôn được đặt dưới sự giám sát của cơ quan lập pháp, đặc biệt là khi có sự can dự của Mỹ như hiện tại.

Trong bối cảnh đó, “châu Mỹ tăng trưởng” hứa hẹn sẽ linh hoạt hóa quyền tiếp cận của giới doanh nghiệp tư nhân các nước tới các nguồn lực tài chính của Chính phủ Mỹ và đây cũng là chiêu bài tranh cử chính của ứng viên Mỹ cho Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID – ngân hàng đa phương lớn nhất châu Mỹ) Mauricio Claver-Carone – người vẫn đang đảm nhiệm cương vị Trợ lý của Tổng thống và Giám đốc các vấn đề về Tây Bán Cầu tại Nhà Trắng.

Đại dịch COVID-19 đã làm kiệt quệ các nguồn lực và quỹ dự trữ của các nước trong khu vực Mỹ Latinh. Vì vậy, đây rõ ràng là thời điểm mà ai có những nguồn lực đó, có thể kèm thêm điều kiện vào những khoản cho vay. Chính vì thế, lời hứa của Mỹ dành cho các chính phủ đang khát vốn là rất hấp dẫn.

Sáng kiến “châu Mỹ tăng trưởng” hứa hẹn mức độ đầu tư lớn hơn, nhiều việc làm hơn với sự “trợ giúp” không thể tránh của các cơ quan Mỹ như các Bộ Ngoại giao, Tài chính, Thương mại và Năng lượng, Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế (USAID), Cơ quan Thương mại và Phát triển (USTDA) và Văn phòng Đầu tư tư nhân ra nước ngoài (OPIC).

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng đây chính là một “chú ngựa thành Troy” mà Washington dành cho các nước Mỹ Latinh. Tổng thống Trump và các phụ tá của ông rõ ràng không phải là những người sẵn sàng giúp giải quyết những vấn đề về sự phụ thuộc và nghèo đói của Mỹ Latinh và Caribe, vậy mục tiêu thật sự của họ là gì?
 
Bên trên