COVID-19 và "thời kỳ đệm" trong quan hệ Mỹ-Trung

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 444
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Trang mạng moderndiplomacy.eu

Để hiểu được tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) đối với quan hệ Mỹ-Trung, trước tiên cần hiểu rõ tình trạng của mối quan hệ này trước khi đại dịch bùng phát. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vốn đã trong tình trạng khó khăn từ trước đó. Đối đầu giữa hai nước xuất phát từ những vấn đề mang tính chính sách, hay ở mức độ chiến thuật, đến vấn đề xây dựng chính sách đó, hay nói các khác là ở cấp độ chiến lược. Kể từ cuối năm 2019, cả hai nước đã nhanh chóng tiến tới giai đoạn "vừa hợp tác vừa cạnh tranh mang tính chiến lược", ngày càng tiến triển trên phương diện cạnh tranh và thậm chí đối đầu.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhóm nghiên cứu của ANDBOUND - tổ chức tư vấn đa quốc gia có trụ sở ở Bắc Kinh - cho rằng có một số vấn đề đáng lưu ý trong quan hệ Mỹ-Trung.

1600091258192.png


Thứ nhất, về phương diện kinh tế, Mỹ và Trung Quốc có thể tách rời một cách "không chiến lược" do đại dịch đã vô tình phơi bày một số rủi ro trong chuỗi cung ứng mà trước đó đã bị che khuất. Giờ đây, người ta tin rằng đại dịch có thể khiến quá trình toàn cầu hóa tạm dừng, hoặc trong kịch bản tồi tệ nhất, đảo ngược hoàn toàn. Điều này có hai lý do. Trước tiên, đại dịch đã khiến nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn ngừng trệ. Nói theo ngôn ngữ kinh tế toàn cầu, rất dễ để phanh lại nền kinh tế, nhưng khởi động lại nó là cả một quá trình lớn và cam go vì thị trường cần thời gian để phục hồi từ cú sốc. Hơn nữa, tất cả các chuỗi cung ứng cần phải được tái khởi động để vận hành đồng bộ hoàn toàn với nhau để đảm bảo vệc tái khởi động sẽ diễn ra suôn sẻ và không bị gián đoạn giữa chừng. Điều này dẫn đến lý do thứ hai, đó là mô hình thứ hai của chuỗi cung ứng sau đại dịch. Đại dịch đã gây ra nhiều yếu tố rủi ro đối với chuỗi cung ứng trong giai đoạn này, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối toàn cầu và quản lý chuỗi cung ứng. Với việc đại dịch cuối cùng đã kết thúc ở Trung Quốc, nhiều tập đoàn đa quốc gia tại nước này giờ đây sẽ tập trung vào việc điều chỉnh hợp lý chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo sự chuẩn bị tốt hơn nếu họ phải đối mặt với những rủi ro trong tương lai.

Không may là việc này sẽ chỉ khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc, đặc biệt là vốn đầu tư của Mỹ. Đơn giản vì khi đó thị trường Trung Quốc vốn là nền tảng cơ bản cho quan hệ thương mại sẽ suy yếu. Và vì vậy, việc hai nước tách rời nhau là không tránh khỏi, và chắc chắn việc này sẽ xảy ra nhanh hơn người ta có thể nhận ra.

Thứ hai, sự "vừa hợp tác vừa cạnh tranh" hiện đang ở bước ngoặt quan trọng và người ta cho rằng tình trạng cạnh tranh (và đối đầu) gia tăng sẽ là quy tắc mới trong quan hệ Mỹ-Trung, phần lớn do cả hai không sẵn lòng gạt sang một bên những khác biệt lớn của mình để hợp tác. Mặc dù Mỹ có thể đã hỗ trợ Trung Quốc chống dịch COVID-19, song những phát biểu của các quan chức Mỹ về cách thức mà virus Corona có thể giúp khôi phục nền công nghiệp Mỹ đã chọc giận Bắc Kinh. Hơn nữa, cả hai bên hiện đang đổ lỗi cho nhau khi tình trạng lây nhiễm virus đã biến thành đại dịch. Một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ đã nói đại ý rằng "đại dịch xảy ra bởi Vũ Hán không làm tốt việc kiềm chế dịch bệnh ở giai đoạn đầu". Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai gọi virus Corona chủng mới là "Virus Trung Quốc".

Đáp trả những cáo buộc trên, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản đòn trên mạng xã hội, khẳng định virus bắt nguồn từ những lính Mỹ đã đến Vũ Hán trước đó. Cần lưu ý rằng ANBOUND không đứng về phía nào trong vấn đề này. Thay vào đó, ANBOUND muốn chỉ ra rằng các cuộc đấu khẩu đã phản ánh một sự thay đổi to lớn đang xảy ra trong mối quan hệ giữa hai nước và điều này cũng được thấy trong quan hệ thương mại giữa hai bên. Về cơ bản, cả hai chính phủ đang từ bỏ quan hệ song phương tại thời điểm này. Thành thực mà nói, Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ hoàn toàn có quan hệ tốt, mặc dù cả hai nước luôn giữ cho mối quan hệ này "đáng được tôn trọng". Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác rất nhiều và có vẻ như "triết lý tranh đấu" không còn là một tư duy chiến lược mà đã trở thành một chính sách cụ thể vốn được cho là sẽ khoét sâu rạn nứt giữa Mỹ và Trung Quốc, và vì vậy sẽ dẫn tới đối đầu nhiều hơn và làm suy yếu tính linh hoạt trong chính sách đối ngoại của hai bên.

Thứ ba, xung đột giữa hai nước cũng đã mở rộng ra cả lĩnh vực xã hội và văn hóa, và việc hai nước tách rời trên hai phương diện này có thể dẫn tới tình trạng đối đầu như một cuộc chiến tranh lạnh. Lý thuyết về "Bẫy Thucydides" (vốn cho rằng chiến tranh sẽ xảy ra khi một cường quốc đang trỗi dậy đe dọa một cường quốc đang thống trị) là chủ đề được thảo luận sâu rộng về chính sách Mỹ-Trung trong thế kỷ 21. Hai nước đã có mối quan hệ kinh tế, văn hóa và xã hội đáng kể, tạo nên quan hệ khác biệt giữa Washington và Bắc Kinh so với quan hệ Mỹ-Nga, và vì vậy khó có khả năng sẽ xảy ra đối đầu toàn diện giữa hai bên. Điều này có nghĩa là, khi các khía cạnh quan hệ đã đến giai đoạn "tách rời", thì điều này nói lên rằng mọi khía cạnh trong quan hệ Mỹ-Trang dần suy giảm, đặc biệt trên phương diện văn hóa và xã hội. Tại thời điểm viết bài báo này, đã xảy ra nhiều sự vụ kỳ thị người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc sống trong xã hội Mỹ, trong đó có một số vụ bạo lực. Điều này khiến nhiều người ở Trung Quốc phản ứng tiêu cực và hung hăng đối với người Mỹ. Dù cộng đồng của cả hai nước có lý do chính đáng để thể hiện sự bất bình với nhau (như việc người Mỹ và Trung Quốc có quan điểm khác nhau về những người đeo khẩu trang), ANBOUND tin rằng phần lớn các hiện tượng tiêu cực xảy ra là do đại dịch đã kích động nỗi sợ hãi, khiến cả hai phía đều cực lực dựa vào lý tưởng "chủ nghĩa dân tộc" khi hành động. Quan hệ Mỹ-Trung rõ ràng đang sụp đổ trên phương diện chính trị và xã hội dưới mác "chủ nghĩa dân tộc" và sự đối lập như vậy có thể gây ra những khác biệt không thể hòa giải.

Thứ tư, đại dịch làm nảy sinh một vấn đề nữa, đó là những người Trung Quốc chưa hòa nhập hoàn toàn với xã hội Mỹ, Hoa kiều Mỹ (trong trường hợp này là người Trung Quốc sinh ở Mỹ) và những sinh viên theo học các chương trình trao đổi sinh viên nước ngoài, lại càng đe dọa mối quan hệ giữa hai nước. Trước kia, người ta cho rằng nhóm người này sẽ là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng hai nước và giúp tăng cường hòa hợp chủng tộc giữa hai bên. Thế nhưng, thời gian đã chỉ ra rằng vai trò này đã không phát huy hiệu quả và càng làm gia tăng khoảng cách giữa hai bên, nhiều tới mức dẫn đến xung đột văn hóa và điều này khiến chúng ta quay trở lại chủ đề tại sao ngày càng khó có thể hóa giải các xung đột giữa cộng đồng hai nước.

Thứ năm, điều thú vị là đại dịch đã mang đến thời kỳ đệm cho quan hệ Mỹ-Trung. Ngay cả khi quan hệ hai nước đã tới bước ngoặt tồi tệ hơn và trở nên đối đầu hơn, cả hai nước sẽ thiếu thời gian và nguồn lực để xử lý phù hợp bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chính sách đối ngoại trong năm 2020. Trước hết, điểm nổi bật của năm nay là việc kiểm soát và phòng ngừa đại dịch và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, điều nhanh chóng trở thành chủ đề nóng đối với các chính trị gia Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ít hoặc không có những động thái hoặc thay đổi quan trọng nào trong năm nay. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ không được lợi gì nếu kích động đối đầu hoặc xung đột vào thời điểm hiện tại.

Một vấn đề khác mà ANBOUND cũng muốn nhấn mạnh, đó là bất kỳ nỗ lực kiềm chế nào của Mỹ đối với Trung Quốc, để có thể hiệu quả, đều cần sự ủng hộ của các đồng minh, mặc dù kết quả ra sao thì vẫn chưa chắc chắn. Tại sao? Bởi Trump đang hủy hoại chính hệ thống đồng minh đang giúp cho nước Mỹ được toàn vẹn và giờ đây rạn nứt trong quan hệ đồng minh của Mỹ đã xuất hiện. Thêm vào đó, các đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và khu vực châu Âu hiện cũng không có tâm trí để hỗ trợ nỗ lực này của Mỹ vì các nước này cũng đang vật lộn với đại dịch. Với tình hình trong nước và quốc tế như vậy, người ta dự đoán rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đối mặt với sự bất ổn lớn hơn trong mối quan hệ song phương, điều có thể sẽ đẩy thời hạn ký kết "Giai đoạn Hai" của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sang thời điểm muộn hơn mặc dù tất cả những vấn đề liên quan thỏa thuận này có thể chỉ là "khoảng lặng trước bão".

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), đã được thực hiện trong 6 năm qua, đang đạt tới bước quan trọng và đang gấp rút cần những điều chỉnh về cấu trúc. Từ nửa cuối năm 2019, Mỹ đã tích cực lôi kéo châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để xây dựng một lựa chọn thay thế cho BRI, dự kiến sẽ trải dài khắp khu vực Âu-Á.

Trong khi đó, kinh tế nội địa Trung Quốc đã bắt đầu đi chệch hướng khỏi trạng thái "bình thường mới" của nước này. Đây là kết quả của áp lực to lớn nhằm kêu gọi những thay đổi lớn cho BRI, mặc dù như chúng tôi đã đề cập trong các bài viết trước, điều này khó có thể xảy ra do Mỹ và đồng minh thiếu khả năng làm thay đổi BRI do có ít thời gian, và vì vậy đã đưa ra khái niệm "thời kỳ đệm" nêu trên mà BRI hiện đang cần tới một cách tuyệt vọng. Một điều nữa cần lưu ý. Châu Âu đang trở thành "vùng đỏ" của đại dịch, tạo thời điểm thuận lợi để Trung Quốc thúc đẩy hoạt động ngoại giao công. Nếu Trung Quốc có thể thay đổi quan điểm của châu Âu về nước này, thì BRI sẽ giảm bớt được một thách thức trong tương lai.

Tóm lại, đại dịch đã tác động toàn diện tới quan hệ Mỹ-Trung và mối quan hệ song phương mà cả hai chính phủ lâu nay đã nỗ lực rất lớn để duy trì giờ đây liên tục bị thay thế bằng hàng loạt đối đầu. Hơn nữa, những diễn tiến trong mối quan hệ với Mỹ đã khiến Trung Quốc thực hiện hàng loạt thay đổi về định hướng chiến lược ở cấp độ phản hồi trước phản hồi của đối phương, ít nhất là ở trong nước. Đánh giá tiến triển của những vấn đề hiện tại, sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi cả hai nước cuối cùng sẽ bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhân tố mang tính quyết định cuối cùng nằm ở việc liệu Mỹ có thể duy trì ảnh hưởng của mình đối với các đồng minh hay không, vốn là điều mà Trung Quốc sẽ can thiệp theo kiểu "chọc gậy bánh xe" khi đối phó với những nỗ lực kiềm chế của Mỹ.
 
Bên trên