Đế chế Huawei liệu có sụp đổ?

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 413
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Bài viết đăng tải trên trang Australia Financial Review nhận định, đối với Guo Ping - Chủ tịch luân phiên hiện tại của Tập đoàn công nghệ Huawei, ngày 17/8 chỉ đơn thuần là một ngày như bao ngày khác.

1598803227313.png

Trong bài phát biểu tại thành phố Thẩm Quyến ở miền Nam Trung Quốc vào ngày hôm đó, ông Guo Ping đã vẽ lên một bức tranh đầy màu sắc về sức mạnh công nghệ và triển vọng dẫn đầu của Huawei trong lĩnh vực thiết bị viễn thông 5G. Đây là lợi thế được kỳ vọng có khả năng biến thành phố quê hương này trở thành một trung tâm điển hình về kỹ thuật số toàn cầu.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, lời hứa của ông Guo Ping đã nhanh chóng bị dập tắt bởi một thông báo từ Chính phủ Mỹ cho biết sẽ sử dụng sự thống trị toàn cầu của công nghệ Mỹ để cắt đứt toàn bộ nguồn cung cấp chất bán dẫn cho Huawei.

* “Đòn chí mạng” và sự sống còn của Huawei

Trong các phòng họp và các văn phòng chính phủ trên khắp thế giới, nhiều cuộc thảo luận đã liên tục “nổ ra” về việc liệu động thái này có giáng một “đòn chí mạng thổi bay" tập đoàn trị giá 122 tỷ USD hay không? Làm cách nào để Huawei có thể nhanh chóng tìm được biện pháp đối phó? Ngoài ra, việc nhà cung cấp thiết bị công nghệ viễn thông lớn nhất thế giới bị sụp đổ có nghĩa là mạng lưới viễn thông của 170 quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.

Trong khi một số nhà phân tích tin rằng “bước đi” mới nhất của Washington là một “bản án tử hình” đối với Huawei, một số người khác lại đang tự hỏi Bắc Kinh sẽ sẵn sàng duy trì hành động để bảo vệ một công ty đang là tâm điểm giữa vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Trung trong bao lâu.

Giám đốc điều hành của một mạng viễn thông châu Âu đã gọi viễn cảnh nhà cung cấp thiết bị công nghệ hàng đầu trên thị trường sụp đổ là một “đòn thảm khốc”.

Nhà mạng trên toàn thế giới đã sẵn sàng gánh chịu những khoản chi phí khổng lồ để giảm bớt số lượng thiết bị Huawei sử dụng trong các mạng viễn thông không dây nội địa, dưới áp lực chính trị đang ngày càng gia tăng của các quốc gia phương Tây, từ Australia đến Anh. Chuyên gia Guo Ping lập luận các công ty viễn thông lớn như BT, Deutsche Telekom và Swisscom, chủ yếu dùng các bộ “kit” của Huawei trong mạng lưới công nghệ Internet băng thông rộng của mình, có lẽ đã cảm nhận được gánh nặng từ triển vọng sụp đổ của đế chế Huawei.

Tuy vậy, đối với Washington, đó là đỉnh điểm của cuộc chiến kéo dài 15 năm chống lại tập đoàn công nghệ khổng lồ Trung Quốc, bắt đầu từ khi công ty này cố gắng thâm nhập vào thị trường Mỹ lần đầu tiên vào đầu những năm 2000.

*Mỹ làm cách nào để “tiêu diệt” Huawei?

Các nhà quan sát lâu năm cho rằng Mỹ đang tiến gần hơn tới mục tiêu khó nắm bắt. Ông Duncan Clark, Chủ tịch Công ty chuyên về công nghệ và cố vấn công nghệ Trung Quốc BDA, đặt câu hỏi: “Làm cách nào để “tiêu diệt ” Huawei?”

Được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Huawei có thể cho phép Trung Quốc do thám các quốc gia và các công ty khác, phá hoại an ninh quốc gia và đánh cắp bí mật thương mại, Chính phủ Mỹ trong nhiều năm nay đã sử dụng mọi phương cách nhằm ngăn chặn Huawei.

Washington đã ngăn Huawei mua lại các công ty và tài sản của Mỹ thông qua chính sách đánh giá an ninh quốc gia đối với các khoản đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng ép buộc các nhà khai thác viễn thông nội địa không được làm việc với Huawei, đồng thời mở một cuộc điều tra theo yêu cầu của Quốc hội. Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính và là con gái của người sáng lập Huawei, đã trở thành bị cáo trong một phiên tố tụng hình sự, dẫn đến việc bà này bị quản thúc tại gia ở Canada và đang chờ kết quả của một phiên điều trần dẫn độ.

Vào năm ngoái, Chính quyền Mỹ bắt đầu thực hiện mục tiêu nhằm vào Huawei thông qua các lệnh trừng phạt, song cả hai lần “làm khó” của Washington đều đem tới kết quả không mấy thành công. Lần này, các chuyên gia trong ngành nhận định thật khó để đoán được làm cách nào mà Huawei có thể thoát khỏi “vòng thòng lọng” của Washington.

Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics - một công ty nghiên cứu có trụ sở ở Bắc Kinh, nói: “Các thiết bị cầm tay và trạm phát sóng gốc đều đòi hỏi phải có thiết bị bán dẫn. Hai mảng kinh doanh này chiếm tới 90% hoạt động của Huawei. Nếu không có khả năng sản xuất các sản phẩm đó, Huawei sẽ không còn là Huawei nữa và các quy định mới của Mỹ rõ ràng là một “bản án tử hình”.
* Niềm hy vọng vào tháng 11

Tuy nhiên, “ván cờ vẫn chưa ngã ngũ”. Cách đây hai năm, Huawei đã bắt đầu xây dựng kho dự trữ chip điện tử sau khi nhận thấy Washington đang tăng cường áp lực đối với mình. Mặc dù các chuyên gia trong ngành cho rằng các báo cáo về số lượng chip mà Huawei đã tích trữ trong vòng hai năm qua dường như đã bị thổi phồng quá mức, nhưng họ tin rằng chúng đủ để gã khổng lồ công nghệ duy trì hoạt động thêm sáu tháng nữa.

Điều đó sẽ cho phép Huawei chờ đợi đến cuộc bầu cử Mỹ vào đầu tháng 11 tới đây và lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ tiếp theo. Một số nhà phân tích nhận định khả năng ông Donald Trump, nhà lãnh đạo của một chính quyền luôn tập trung vào việc coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ, có thể bị bỏ phiếu miễn nhiệm, qua đó mang lại tia hy vọng cho Huawei, do ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden được cho là có lập trường ít đối đầu với Trung Quốc hơn. Thậm chí các quy định vừa mới ban hành của Mỹ cũng vẫn mở một cánh cửa hẹp cho Huawei khi Mỹ đồng ý cấp giấy phép tạm thời để các nguồn cung cấp chip tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, hy vọng là rất mong manh. Hosul Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu có trụ sở tại Brussels, người từng là luật sư thương mại tham dự vào vụ điều tra Huawei của Liên minh châu Âu (EU), nói: “Rất nhiều người trong Chính phủ Trung Quốc đang theo dõi sự kiện ứng cử viên Joe Biden dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ở bang Florida của Mỹ. Nhưng các nhà chiến lược lâu năm tại Trung Quốc hiểu rằng không gian chính sách dành cho ông Biden cũng sẽ bị hạn chế”.

Ông giải thích thêm bất kỳ giai đoạn ưu ái tiềm năng nào mà Chính quyền ông Biden có thể dành cho Bắc Kinh, nếu thắng trong cuộc đua ngôi vị Tổng thống Mỹ tới đây, cũng sẽ không kéo dài lâu vì Trung Quốc không thể đảo ngược các chính sách và điều luật then chốt, vốn đã được củng cố bởi lập trường cứng rắn của các chính phủ phương Tây chống lại Huawei và Trung Quốc trên phạm vi rộng hơn.

Cốt lõi vấn đề là luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh. Luật này yêu cầu các công ty và công dân Trung Quốc có nhiệm vụ hỗ trợ nhà chức trách an ninh theo bất kỳ yêu cầu nào mà họ đề ra. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng gián điệp.

Theo kịch bản đó, tương lai của Huawei dường như không mấy sáng sủa. Tuần trước, Washington đã tuyên bố ngừng cấp giấy phép tạm thời cho các công ty Mỹ được quyền bán chip cho Huawei. Các quy tắc được áp dụng trong tháng 5 và những bổ sung sau đó có nghĩa là không công ty nào trên thế giới có thể bán chip cho Huawei một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, nếu chúng được thiết kế bằng các công cụ phần mềm do các công ty Mỹ sản xuất, bao gồm Cadence và Synopsys, hoặc được sản xuất bằng thiết bị của các nhà cung cấp Mỹ như Vật liệu Ứng dụng hoặc Nghiên cứu LAM.

Nhà sản xuất chip bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) Semiconductor Manufacturing Corp, đơn vị sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của hầu hết các công ty thiết kế chip điện tử lớn, sẽ ngừng cung cấp sản phẩm cho Huawei từ ngày 15/9, thời hạn áp dụng theo quy định trong tháng Năm của Mỹ. Các hạn chế bổ sung ngày 17/8 cũng đã chặn bất kỳ nguồn cung cấp chip nào khác, có thể bao gồm cả các loại chip bộ nhớ từ công ty Hynix của Hàn Quốc hay chip bán dẫn từ công ty Hà Lan NXP, được phép giao dịch với Huawei.

Một quan chức thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết: “Không một công ty nào thoát khỏi lệnh hạn chế của Mỹ, cánh cửa đã chính thức đóng lại”.

* Điều gì đang xảy ra tại Huawei?

Trong khi đó, triển vọng công ty thiết kế chip Arm của Anh sẽ bị công ty Nvidia của Mỹ tiếp quản sẽ làm tăng thêm tình trạng khó khăn của Huawei. Một chuyên gia tại khu công nghẹ HiSilicon, công ty thiết kế chip của Huawei, nói rằng nếu thỏa thuận diễn ra, tất cả các thiết kế chip của Huawei sẽ gặp rắc rối vì chúng được thực hiện dựa trên bản thiết kế do Arm cấp phép.

Tuy nhiên, nhiều người trong số 200.000 nhân viên của Huawei vẫn tỏ thái độ bình thản. Một nhân viên làm việc tại chi nhánh Huawei Cloud chia sẻ công ty vẫn duy trì triển vọng hoạt động khả thi. Ông nói: “Tôi cảm thấy mọi người khá bình tĩnh vì chúng tôi còn rất nhiều dự án chưa hoàn thành và các dự án của chính phủ cũng đang đến”.

Nhưng các chuyên gia đã phủ nhận tuyên bố này. Ông Lee -Makiyama khẳng định bộ nhớ đám mây, một trong những mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với mảng thiết bị cầm tay của Huawei, đang gặp nhiều khó khăn tương tự như phần còn lại của tập đoàn vì phần cứng máy chủ của bất kỳ dịch vụ đám mây nào chạy trên đó đều phải có chất bán dẫn, trong khi hầu hết công nghệ phần mềm đám mây thuộc sở hữu của các công ty Mỹ, bao gồm cơ sở dữ liệu từ nhà cung cấp Oracle và các dịch vụ ảo hóa từ VMware.

* Mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Trung Quốc

Ông Wang cho rằng: “Huawei đã khai báo khoảng 53 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn trong báo cáo thường niên mới nhất. Điều đó cho thấy tập đoàn này có nguồn lực tài chính đáng kể. Những gì mà Huawei thiếu là các con chip. Trong ngắn hạn, không có khả năng để Huawei tạo ra một chuỗi cung ứng bán dẫn mà không đụng đến công nghệ của Mỹ”.

Một số người tin rằng Bắc Kinh sẽ buộc các nhà sản xuất chip Trung Quốc - vốn tiếp tục phải dựa vào phần mềm và thiết bị của Mỹ - cung cấp phụ kiện cho Huawei. Ông Wang cho biết: “Trung Quốc có thể tổ chức lại ngành công nghiệp chip nội địa theo bất kỳ cách nào mà họ muốn. Bạn có thể tạo một lớp trung gian giữa các nhà cung cấp và Huawei, và có thể cố gắng che giấu đi dấu vết của mình”.

Nhưng một kế hoạch rủi ro cao như vậy, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, có thể làm suy yếu mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng nước này. Các luật sư thương mại dự đoán rằng bất kỳ nhà sản xuất chip Trung Quốc nào chấp nhận vi phạm các quy tắc của Mỹ, cố gắng cung cấp hàng cho Huawei, đều sẽ nhanh chóng bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt từ Washington, gây cản trở nỗ lực tự cung cấp công nghệ trong tương lai của Bắc Kinh.

Khách hàng trên khắp châu Âu đã từ bỏ việc sử dụng thiết bị của Huawei – kết quả từ áp lực chính trị do Mỹ gây ra. Giám đốc điều hành tại một công ty viễn thông hàng đầu châu Âu, đơn vị đã từng dùng một lượng lớn thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng viễn thông, cho biết: “Có một rủi ro lớn hơn nhiều nếu tiếp tục sử dụng thiết bị của Huawei do các lệnh trừng phạt vi mạch tác động. Cuộc đấu tranh chống lại Huawei sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực. Chúng ta cần một công ty nào đó như Samsung nhanh chóng vào cuộc, để cung cấp thiết bị thay thế”.

Các công ty viễn thông đã bắt đầu tổ chức lại kế hoạch của họ, đặc biệt là vấn đề nâng cấp mạng viễn thông 5G. Huawei, chiếm hơn 50% thị phần của một số mạng viên thông 4G trên thế giới, đã mất đi vai trò là “nhà cung cấp chính”. Những công ty như BT và Three đã tìm đến Ericsson như là một nhà cung cấp thay thế. Nhưng vẫn có các nhà khai thác khác chưa đưa ra kế hoạch dự phòng cho tình huống Huawei bị sụp đổ, một dấu hiệu cho thấy vẫn có những người trong ngành tin rằng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sẽ phục hồi ngay cả khi phải đối mặt với cuộc tấn công mới nhất từ Mỹ.

Nhiều Giám đốc điều hành tại các nhà mạng viễn thông lập luận rằng các mạng viễn thông sẽ không bị đứt gãy nếu Huawei sụp đổ, nhưng sẽ khó khăn hơn để duy trì chúng và có khả năng xuất hiện những gián đoạn đáng kể cho khách hàng do không thể nâng cấp phần mềm chứa thiết bị Huawei và cũng không thể thay thế các thiết bị bị lỗi. Một Giám đốc điều hành nói: "Đó sẽ là một quá trình nhiều đau đớn".

Đối với Huawei, “nỗi đau” chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều. Các chuyên gia trong ngành nhận định khó có thể hình dung công ty này làm cách nào để tiếp tục hoạt động kinh doanh theo hình thức hiện tại, dưới các lệnh trừng phạt “phủ kín mọi ngóc ngách” của Mỹ.

Ông Clark nói: “Hình ảnh của Huawei giờ đây gắn liền với nỗi sợ hãi về một ‘Nguy cơ Đỏ’ đến mức họ cần phải thực hiện một số giao dịch”. Ông cho biết Chính phủ Trung Quốc chắc chắn có một vai trò trong bất kỳ cuộc tái cơ cấu nào của Huawei. Trớ trêu thay, điều đó có thể biến Huawei thành một thực thể mà Mỹ từng nghi ngờ, nhưng công ty có trụ sở tại Thâm Quyến luôn phủ nhận dứt khoát rằng mình không phải là một công ty nhà nước Trung Quốc
 

Học Forex Online

*Được tài trợ Livestream

Theo dõi chúng tôi

Bên trên