Kiến thức căn bản: Hedge, Hedging là gì? Chiến lược sử dụng hedging trong giao dịch

H
hungnm
Bình luận: 0Lượt xem: 167
H

hungnm

Thành viên
  • H

    hungnm

Hedging là một thuật ngữ cơ bản trong lĩnh vực tài chính nhưng có lẽ đối với nhiều forex trader thì còn khá xa lạ. Hedging có nghĩa là phòng ngừa rủi ro, chúng ta thường nghe nhiều đến thuật ngữ này ở thị trường chứng khoán nhưng trên thực tế thì hedging được vận dụng trên mọi lĩnh vực khác nhau vì bất cứ lĩnh vực nào cũng đều tiềm ẩn những rủi ro cả.


Dùng thử miễn phí Cloud VPS Forex:

Hedging là gì? Hedging được thực hiện như thế nào trên các thị trường tài chính?

Hedging là gì?
Trong tài chính nói chung, hedging là một nghiệp vụ đầu tư, được thực hiện để loại bỏ hoặc giảm thiểu rủi ro cho một danh mục đầu tư khác.

Nói một cách dễ hiểu hơn thì hedging cũng giống như bảo hiểm. Các bạn mua một chiếc ô tô, rủi ro về tài chính có thể xảy ra đối với chiếc ô tô này chính là khi nó gặp sự cố, tai nạn, các bạn sẽ phải mất rất nhiều tiền để sửa chữa. Chính vì thế, để giảm thiểu rủi ro này, trước hết, các bạn phải lái xe cẩn thận và tuân thủ luật an toàn giao thông, thứ hai, các bạn phải mua bảo hiểm cho xe để khi rủi ro xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm gánh vác phần rủi ro đó cho các bạn. Đây chính là nghiệp vụ hedging.

Còn trên thị trường tài chính, hedging là việc các bạn mở một vị thế đối nghịch với vị thế đang nắm giữ đối với tài sản. Để khi thị trường đi ngược hướng kỳ vọng, vị thế chính gặp rủi ro, lúc này, vị thế phòng ngừa có lợi nhuận, lợi nhuận này sẽ bù đắp lại rủi ro cho vị thế chính. Khác với việc mua bảo hiểm ô tô, nghiệp vụ hedging do chính bản thân nhà đầu tư lựa chọn có thực hiện hay không, và mức độ phòng ngừa rủi ro cũng do chính mỗi chiến lược hedging mà các bạn thực hiện quyết định.

Hedging được thực hiện như thế nào trên các thị trường tài chính?
Ở mỗi thị trường khác nhau, mỗi loại tài sản khác nhau sẽ có những nghiệp vụ hedging khác nhau.

  • Thị trường chứng khoán
Tài sản cơ sở trên thị trường chứng khoán chính là cổ phiếu và công cụ được sử dụng trong các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư chính là các loại chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai hay hợp đồng quyền chọn, trong đó, hợp đồng quyền chọn là công cụ hedging phổ biến hơn trên thị trường này.

Một nhà đầu tư đang sở hữu 1,000 cổ phiếu ABC thuộc lĩnh vực công nghệ với mức giá hiện tại là 50,000/cổ phiếu, vì lo ngại quyết định mới của Bộ tài chính sắp tới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của công ty ABC từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, nên nhà đầu tư này quyết định phòng ngừa rủi ro cho danh mục bằng hợp đồng quyền chọn.

Nghiệp vụ hedging được thực hiện như sau: nhà đầu tư mua một quyền chọn bán (Put Option) 1,000 cổ phiếu ABC với giá thực hiện là 45,000/cổ phiếu, phí quyền chọn là 2,000/cổ phiếu. Đến ngày đáo hạn, có 2 kịch bản xảy ra như sau:

  • Giá cổ phiếu ABC giảm đúng như lo lắng của nhà đầu tư, chỉ còn 30,000/cổ phiếu. Lúc này, nhà đầu tư thực hiện quyền bán của mình. Sau nghiệp vụ hedging này, nhà đầu tư đã đạt được mục đích giảm thiểu rủi ro cho danh mục của mình, thay vì phải lỗ 20,000/cổ phiếu thì mức thua lỗ này giảm xuống còn 7,000/cổ phiếu (tính cả chi phí thực hiện hedging = phí quyền chọn).
  • Giá cổ phiếu ABC không bị ảnh hưởng mà còn tăng lên đến 55,000/cổ phiếu. Nhà đầu tư quyết định không thực hiện quyền và bán cổ phiếu trên thị trường giao ngay. Sau khi trừ đi chi phí hedging thì nhà đầu tư có lợi nhuận 3,000/cổ phiếu.
Đó chỉ là một chiến lược phòng ngừa rủi ro cơ bản nhất trên thị trường chứng khoán, trên thực tế, các hedger (nhà phòng ngừa rủi ro) chuyên nghiệp có rất nhiều nghiệp vụ hedging khác cho danh mục đầu tư của mình.

  • Thị trường ngoại hối
Khác với chứng khoán, các cặp tỷ giá mới là tài sản chủ yếu trên thị trường này. Nghiệp vụ hedging trong forex dường như không phổ biến đối với hầu hết các trader mà nó chỉ thường xuyên được sử dụng đối với những trader chuyên nghiệp, giao dịch khối lượng lớn hoặc các trader làm việc cho các tổ chức tài chính, bởi lẽ nghiệp vụ hedging trên thị trường này còn bị chi phối nhiều bởi các yếu tố khác, đặc biệt là chi phí giao dịch.

Có nhiều chiến lược hedging khác nhau mà các bạn có thể thực hiện trên thị trường này, mỗi chiến lược đều có những ưu, nhược điểm riêng và còn phụ thuộc vào “sự cho phép” của nhà môi giới, nơi các bạn mở tài khoản giao dịch, chứ không giống như trong chứng khoán.

Chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể về các chiến lược hedging trong forex ở nội dung của phần sau.

  • Thị trường hàng hóa
Thị trường hàng hóa là nơi mua bán các loại tài sản như nông sản, năng lượng, kim loại, nguyên vật liệu sản xuất…, thị trường này dành cho những doanh nghiệp sản xuất, các tổ chức, cá nhân cung ứng nguyên vật liệu….

Không phải chỉ có giá cổ phiếu hay tiền tệ mới biến động và có rủi ro mà các loại hàng hóa kể trên cũng có những rủi ro của riêng nó. Giá cả hàng hóa biến động do nhiều nguyên nhân khác nhau như thời tiết, thiên tai, sự cạn kiệt nguồn tài nguyên hay do các thương vụ đầu cơ lớn…. chính vì thế mà các nghiệp vụ hedging trên thị trường hàng hóa được sử dụng phổ biến không thua kém so với thị trường chứng khoán.

Ở thị trường hàng hóa thì công cụ hedging chủ yếu lại là hợp đồng tương lai. Loại chứng khoán phái sinh này khá phức tạp vì nó quy chuẩn hóa và một khi đã sử dụng hợp đồng tương lai, nhà đầu tư bắt buộc phải thực hiện quyền, chứ không như như hợp đồng quyền chọn, có thể thực hiện quyền hoặc không.

Công ty A chuyên làm giấy đang có kế hoạch nhập 1,000 tấn gỗ keo lá tràm cho hoạt động sản xuất của mình trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, dự báo tình hình thời tiết không được thuận lợi cho việc trồng keo lá tràm, năng suất sẽ giảm so với năm ngoái nên công ty A lo ngại giá sẽ tăng lên trong vòng 6 tháng tới.

Để phòng ngừa rủi ro cho việc nguyên liệu sẽ tăng giá so với thời điểm hiện tại, công ty A đã thực hiện nghiệp vụ hedging bằng cách mua hợp đồng tương lai 1,000 tấn gỗ keo lá tràm với mức giá thực hiện K và một mức phí tương lai là p.

Đến ngày đáo hạn, người bán phải giao cho công ty A số gỗ đó với mức giá đã cam kết trong hợp đồng và công ty A phải chấp nhận mua, mặc cho giá trên thị trường giao dịch tăng hay giảm. Nghiệp vụ này cũng có 2 tình huống xảy ra:

  • K cao hơn so với giá giao ngay, công ty A phòng ngừa không thành công và phải tốn thêm nhiều chi phí hơn so với việc mua nguyên liệu trên thị trường giao ngay.
  • (K +p) thấp hơn giá giao ngay, công ty A phòng ngừa rủi ro thành công
  • (K+p) = giá giao ngay, nghiệp vụ phòng ngừa không hiệu quả.
Đặc điểm của phòng ngừa rủi ro hedging trên thị trường tài chính
Về bản chất, nghiệp vụ hedging cũng chính là một nghiệp vụ đầu tư, chỉ khác về ý nghĩa, thay vì tìm kiếm lợi nhuận thì hedging là giúp phòng ngừa rủi ro. Chính vì vậy, nghiệp vụ hedging cũng sẽ có những đặc điểm của một hoạt động đầu tư hay giao dịch.

  • Chi phí của nghiệp vụ hedging
Bất cứ một nghiệp vụ hedging nào cũng đều tốn chi phí, đó là điều chắc chắn. Cứ hình dung về bảo hiểm ô tô là rõ ràng nhất. Các bạn phải bỏ ra một số tiền lớn mỗi năm để mua bảo hiểm cho xế hộp. Đó chính là chi phí hedging.

Trên thị trường tài chính, hedging bằng hợp đồng quyền chọn hay hợp đồng tương lai thì chi phí chính là phí quyền chọn hay phí tương lai, là số tiền mà các bạn phải bỏ ra để sở hữu chứng khoán phái sinh đó. Trong forex, hedging bằng việc mở một vị thế đối nghịch đồng nghĩa với việc các bạn đang thực hiện một giao dịch mới, chi phí chính là spread, phí hoa hồng hoặc phí qua đêm, nếu có.

Tuy nhiên, khác với việc thực hiện một giao dịch, một danh mục đầu tư độc lập, nếu phòng ngừa rủi ro thành công, chi phí của nghiệp vụ hedging sẽ không đáng là bao, ngược lại, nhà đầu tư, nhà giao dịch sẽ thêm một phần gánh nặng thua lỗ.

  • Rủi ro của nghiệp vụ hedging
Đã là một hoạt động đầu tư, giao dịch thì chắc chắn tồn tại rủi ro. Rủi ro của nghiệp vụ hedging trên các thị trường tài chính phát sinh khi các nhà hedger phòng ngừa không thành công. Đối với hợp đồng quyền chọn, khi phòng ngừa rủi ro thất bại, nếu chênh lệch giữa giá giao ngay và giá thực hiện không đủ để bù đắp chi phí hedging thì chi phí này sẽ khiến cho bạn thua lỗ hoặc làm giảm đi một phần lợi nhuận của mình. Đối với hợp đồng tương lai, khi phòng ngừa không thành công, rủi ro lớn nhất là khi các bạn bắt buộc phải thực hiện quyền mua, bán của mình với mức giá cam kết như trong hợp đồng thay vì được mua bán với mức giá giao ngay tốt hơn, đồng thời, cộng thêm chi phí hedging khiến cho nghiệp vụ này lỗ càng thêm lỗ.

Riêng đối với nghiệp vụ hedging bằng vị thế đối ứng trong forex thì rủi ro càng cao hơn do liên quan đến sự chính xác về kỳ vọng của bạn trên thị trường đối với xu hướng của giá cả.

  • Cả 2 bên tham gia vào nghiệp vụ hedging đều có rủi ro
Công ty bảo hiểm có gặp rủi ro khi bán bảo hiểm cho bạn? Tất nhiên là có. Rủi ro về phía công ty bảo hiểm chính là khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với nhiều khách hàng cùng một lúc và số tiền bảo hiểm họ phải chi trả thì gấp rất nhiều lần số phí mà họ đã thu vào. Còn nếu chỉ có 1, 2 sự kiện bảo hiểm xảy ra thì số tiền chi trả không đáng là bao so với tất cả các khoản phí đã thu, chưa tính đến lợi nhuận từ các hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty bảo hiểm có thể dư sức bù đắp rủi ro này.

Vậy, trên thị trường tài chính thì sao?

Người bán hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai cho các hedger cũng có mục đích phòng ngừa hoặc kinh doanh riêng của họ. Thua lỗ của bên bán chính là lợi nhuận mà bên mua thu được từ nghiệp vụ hedging khi bên mua phòng ngừa thành công và chi phí hedging mà bên bán nhận được không đủ để bù đắp phần thua lỗ đó.

Nhà giao dịch B khớp lệnh đối ứng với vị thế phòng ngừa rủi ro của trader A trên thị trường ngoại hối nhận về thua lỗ khi vị thế phòng ngừa rủi ro của trader A có lợi nhuận.

Các chiến lược phòng ngừa rủi ro trên thị trường forex
Nghiệp vụ hedging trên thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa có vẻ dễ hình dung hơn so với forex vì sự có mặt hiện hữu của tài sản và các hoạt động trao đổi tài sản có sự diễn ra trên thực tế. Còn với forex, tất cả các hoạt động giao dịch đều dựa trên sự biến động giá của tài sản, hiểu được cách thức hoạt động của thị trường đã khó, để hiểu và áp dụng được nghiệp vụ hedging còn khó hơn nhiều.

Trong forex, có 2 chiến lược hedging: hedging trực tiếp và hedging gián tiếp. Hedging trực tiếp là sử dụng đúng loại tài sản đang cần phòng ngừa rủi ro để thực hiện nghiệp vụ hedging, hedging gián tiếp liên quan đến việc sử dụng một công cụ khác. Hedging gián tiếp lại được chia thành 2 chiến lược riêng biệt: hedging bằng cặp tỷ giá liên quan và hedging bằng hợp đồng quyền chọn.

Chiến lược hedging trực tiếp
Đây là chiến lược hedging dễ thực hiện nhất, có khả năng loại bỏ toàn bộ rủi ro cho vị thế chính nhưng cũng đồng thời loại bỏ toàn bộ lợi nhuận tiềm năng của vị thế chính khi vị thế phòng ngừa đang hoạt động.

Chiến lược hedging được thực hiện như sau: Mở vị thế mua và bán trên cùng một loại tài sản, với cùng mức giá và khối lượng.


Giả sử: bạn đang kỳ vọng giá của cặp EUR/USD sẽ tăng lên và quyết định mở lệnh Buy trên cặp này với khối lượng 1 lot và mức giá thực hiện là 1.22300. Vì lo ngại chính sách điều chỉnh lãi suất của FED có ảnh hưởng đến giá của EUR/USD, bạn sẽ thực hiện nghiệp vụ hedging bằng cách mở lệnh Sell 1 lot cặp này với cùng mức giá 1.22300.

Nghe có vẻ dễ thực hiện nhưng trên thực tế, các bạn không thể cùng lúc đặt lệnh Buy và Sell đúng cùng một mức giá. Để mở lệnh Sell cùng mức giá với lệnh Buy, các bạn có thể dùng các lệnh chờ vì giá biến động liên tục, rất khó để vào được lệnh thị trường với mức giá như mong muốn.

Có 2 tình huống xảy ra đối với chiến lược hedging này:

Một, tỷ giá EUR/USD đang giảm xuống dưới mức 1.22300. Lúc này, bạn vẫn kỳ vọng rằng, giá sẽ giảm không quá 1.21300 và sau đó quay đầu đi lên như kỳ vọng ban đầu.

Lúc này, bạn sẽ có 2 lựa chọn:

  • Đặt stop loss cho lệnh Buy tại 1.21300 và take profit cho lệnh Sell cũng tại 1.21300. Nếu giá đi xuống và chạm mức 1.21300, bạn đã phòng ngừa một cách hoàn hảo nhất, tất cả thua lỗ của lệnh Buy đã được loại bỏ bằng lợi nhuận của lệnh Sell. Các bạn sẽ phải trả 2 lần phí commission và spread cho chiến lược này.
  • Chỉ đặt stop loss cho lệnh Buy tại 1.21300. Nếu giá chạm vào 1.21300 và tiếp tục đi xuống, bạn đóng lệnh Sell để chốt một phần lợi nhuận. Nhưng nếu giá chưa chạm vào 1.21300 và quay đầu đi lên như kỳ vọng thì các bạn sẽ đóng lệnh Sell và giữ lệnh Buy để kiếm lời như dự đoán ban đầu.
Hai, tỷ giá EUR/USD đang tăng lên trên mức 1.22300, bạn vẫn đặt stop loss cho lệnh Buy tại 1.21300.

  • Nếu giá tiếp tục tăng lên như dự đoán, bạn đóng lệnh Sell và duy trì lệnh Buy đạt đến lợi nhuận mục tiêu.
  • Nếu giá đảo chiều đi xuống khi lệnh Buy chưa đạt được lợi nhuận mục tiêu, các bạn sẽ có 2 sự lựa chọn như tình huống đầu tiên.
Chiến lược hedging này có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng phán đoán và ra quyết định của các bạn, nên mới nói rủi ro của hedging trong forex cao hơn rất nhiều nếu bạn không có đủ kinh nghiệm trên thị trường này.

Chiến lược hedging bằng cặp tỷ giá liên quan.
Ý tưởng của chiến lược này chính là chọn cặp tiền có mối tương quan cao với cặp tiền mà bạn quyết định sẽ giao dịch để mở vị thế phòng ngừa rủi ro. Nếu sự tương quan là nghịch chiều thì bạn sẽ mở 2 vị thế giống nhau, nếu sự tương quan là thuận chiều, bạn phải mở 2 vị thế đối nghịch nhau.

Để xem sự tương quan giữa các cặp tiền, các bạn có thể sử dụng ma trận tương quan (Correlation Matrix), thông thường các broker sẽ cung cấp công cụ này cho khách hàng, hoặc các bạn có thể tìm trên mạng và tải về plugin rồi cài đặt vào phần mềm giao dịch để sử dụng.

Ví dụ ma trận tương quan:


Trên thực tế thì không có cặp tỷ giá nào có tương quan 1:1 hoặc 1:-1 nên các nhà giao dịch thường chọn những cặp tiền có tương quan trên 0.8 (-0.8) để thực hiện chiến lược hedging này.

Giả sử các bạn muốn Buy 1 lot cặp EUR/USD, để phòng ngừa rủi ro cho vị thế này, các bạn sẽ chọn cặp có tương quan cao nhất với EUR/USD, đó là cặp USD/CHF. Vì sự tương quan là ngược chiều nên vị thế trên cặp USD/CHF sẽ cùng chiều với vị thế chính. Các bạn mở lệnh Buy 1 lot cặp USD/CHF, sao cho thời gian khớp lệnh của 2 lệnh gần nhất có thể.

Về các tình huống có thể xảy ra đối với chiến lược này cũng hoàn toàn tương tự như chiến lược hedging trực tiếp như trên. Tuy nhiên, ở phần này, chúng ta sẽ đi sâu phân tích vào chi phí hedging, bởi lẽ biến động giữa 2 cặp tiền này là không hề giống nhau và chi phí phát sinh đối với nghiệp vụ này còn phụ thuộc vào những yếu tố khác.

Thứ nhất là chênh lệch spread.

Đối với chiến lược hedging trực tiếp, spread mà các bạn phải trả là nhân đôi spread của cặp EUR/USD, nhưng với chiến lược hedging này, spread sẽ cao hơn do spread trên cặp USD/CHF thường cao hơn nhiều so với cặp EUR/USD.

Thứ hai là chênh lệch giá trị pip của 2 cặp tiền tệ.

1 pip/lot của cặp EUR/USD có giá trị 10$ trong khi 1 pip/lot đối với cặp USD/CHF có giá trị khoảng 11.13$.

Tại sao chênh lệch này lại quy vào chi phí, bởi lẽ nếu giá đi đúng như kỳ vọng (tức lệnh Buy EUR/USD có lời, lệnh Buy USD/CHF thua lỗ) thì mỗi một pip biến động, các bạn sẽ bị lỗ 1.13$.

Thứ ba, chênh lệch biến động tỷ giá giữa 2 cặp tiền

Với tỷ lệ tương quan là -0.83, nếu cặp EUR/USD biến động 100 pips/ngày thì cặp USD/CHF sẽ biến động 83 pips/ngày theo chiều ngược lại.

Giả sử các bạn giao dịch dài hạn và kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận cao. Nếu giá đi đúng như kỳ vọng (tức lệnh Buy EUR/USD có lời, lệnh Buy USD/CHF thua lỗ) thì mỗi ngày, các bạn vẫn có lời 17 pips chênh lệch, ứng với lợi nhuận 100*10 – 83*11.13 = 76.21$. Ngược lại, chênh lệch bị âm 17 pips, ứng với thua lỗ 76.21$.

Thứ tư, phí qua đêm swap

Tỷ lệ swap Long của EUR/USD là -5.25 🡪 phí swap/lot/đêm = -5.25$.

Tỷ lệ swap Long của cặp USD/CHF là 0.2 🡪 phí swap/lot/đêm = 0.223$

Nếu giữ lệnh qua đêm, các bạn sẽ phải trả thêm phí swap trên cặp EUR/USD nhưng được nhận phí swap từ cặp USD/CHF. Tổng phí swap phải trả là 5.027$/đêm.

Chính vì có quá nhiều chi phí phát sinh nên trước khi ra quyết định có thực hiện nghiệp vụ hedging hay không, các bạn cần xem xét tất cả các loại chi phí này, nếu không đáng kể và lợi nhuận mục tiêu có thể bù đắp được thì thực hiện, nếu không thì không thực hiện hoặc hướng đến giải pháp khác.

Chiến lược hedging bằng hợp đồng quyền chọn
Chiến lược này thì được thực hiện tương tự như hedging trên thị trường chứng khoán.

Một vị thế Long forex sẽ được hedging bằng vị thế Long một Put Option, nghĩa là Buy forex thì Mua quyền chọn Bán. Ngược lại, một vị thế Short forex thì sẽ được hedging bằng vị thế Long một Call Option, nghĩa là Sell forex thì Mua quyền chọn Mua.

Trong số 3 chiến lược nói trên, chiến lược nào khả thi và có thể thực hiện được trên thị trường forex?

Trên thực tế, chỉ có chiến lược hedging bằng cặp tỷ giá liên quan là luôn thực hiện được, còn chiến lược hedging trực tiếp hay hedging bằng quyền chọn thì có thể có hoặc không, phù thuộc vào chính sách và dịch vụ mà broker của bạn cung cấp.

Tuy nhiên, hiện nay, đa số các broker đều cho phép hedging trực tiếp trên phần mềm MT4, còn hedging bằng hợp đồng quyền chọn thì phụ thuộc vào broker đó có cung cấp các sản phẩm quyền chọn cho trader hay không.

Một số broker uy tín cung cấp hợp đồng quyền chọn cho nhà đầu tư như sàn IG, easyMarkets, Saxo bank…
 
Xem nhiều nhất

Học Forex Online

*Được tài trợ Livestream

Theo dõi chúng tôi

Bên trên