Một ASEAN gắn kết hơn sẽ giúp khu vực phát triển thịnh vượng sau dịch bệnh

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 327
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Bài phân tích trên báo The Business Times (Singapore) cho rằng Chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần có sự phối hợp tốt hơn và hội nhập chặt chẽ hơn để phát triển thịnh vượng trong thế giới hậu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đặc biệt trong các lĩnh vực như du lịch, cơ sở hạ tầng y tế và các chuỗi cung ứng khu vực. Tập hợp lại để có được cơ sở hạ tầng y tế tốt hơn, đặc biệt giữa các nước thành viên kém phát triển hơn trong khu vực, là đầu tư có lãi trong dài hạn. Hoạt động đi lại trong khu vực không thể "cất cánh" nếu trong nội bộ ASEAN không kiểm soát thành công sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.

1599753450443.png

Sự phối hợp mạnh mẽ hơn trong những thay đổi về chuỗi cung ứng khu vực là một lĩnh vực khác mà hợp tác chứ không phải cạnh tranh sẽ đem lại những kết quả chung tốt đẹp hơn. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và đầu tư (UNCTAD) dự báo rằng các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu (FDI) sẽ giảm tới 40% năm 2020. Đương nhiên, mỗi nước đều có xu hướng muốn nước mình tìm cách thu hút càng nhiều FDI càng tốt.

Trong một môi trường mà sự phục hồi chuỗi cung ứng và an ninh chuỗi cung ứng được ưu tiên hơn tính hiệu quả, ASEAN cần hợp tác với nhau để làm cho khu vực này trở thành một điểm đến hấp dẫn nói chung. Việc làm hài hòa các tiêu chuẩn và quy định, thay vì để cho các công ty đa quốc gia có lợi từ việc "buôn bán" quy định và tìm kiếm những nhượng bộ có lợi, sẽ dẫn đến việc phân bổ nguồn vốn tốt hơn.

Bên cạnh đó, hành động nhanh chóng của các nhà hoạch định chính sách cả về tài chính và tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế của họ đã giúp giảm nhẹ được những tác động thậm chí còn lớn hơn đối với các nền kinh tế ASEAN. Ngoài ra, chương trình kích thích kinh tế lớn mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mang lại đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định các thị trường tài chính trong khu vực.

Thông qua việc cam kết nới lỏng định lượng có giới hạn và thiết lập một cơ sở mới cho các thị trường mới nổi để tiếp cận với đồng USD, Fed đã giúp đảm bảo đủ thanh khoản đồng USD cho các thị trường mới nổi. Đây là lý do giải thích tại sao ASEAN không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính vào thời điểm này. Tuy nhiên, có nguy cơ một cuộc khủng hoảng về khả năng thanh toán sẽ nổi lên. Nếu hoạt động kinh tế không đủ phục hồi trước khi các biện pháp hỗ trợ của chính phủ hết hạn, điều này sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phá sản và nhiều người mất việc làm hơn.

Dù vậy, có những tín hiệu cho thấy tình trạng tồi tệ nhất của suy giảm kinh tế giờ đây đã qua đi. Những hạn chế nghiêm ngặt đã được nới lỏng, cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Hoạt động đi lại đã cho thấy có sự cải thiện so với cuối tháng Tư-đầu tháng Năm, thời điểm hoạt động đi lại ở mức thấp nhất.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của khu vực, một chỉ dấu cho sự tăng trưởng, đã có dấu hiệu phục hồi. Ở bên ngoài, thương mại toàn cầu đang bắt đầu được cải thiện sau khi giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020. Điều đó sẽ bắt đầu được phản ánh trong những con số xuất khẩu của ASEAN trong những tháng tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng sự phục hồi kinh tế sẽ là một vấn đề khó khăn và lâu dài, do làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ hai và thứ ba ở một số nước. Ví dụ như ở Philippines và Indonesia, tình hình dịch bệnh phải mất thời gian khá dài nữa mới kiểm soát được.

Theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của ASEAN sớm nhất đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 mới phục hồi được về mức trước COVID-19. Cho đến nay, hầu hết các chính phủ đã thực hiện cách tiếp cận đơn phương đối phó với đại dịch, do thiếu vai trò lãnh đạo toàn cầu giữa các nền kinh tế tiên tiến lớn.

Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng vay mượn công chưa từng có giữa các chính phủ trên toàn thế giới khi họ phải vật lộn chống lại cuộc khủng hoảng y tế và những hậu quả kinh tế kéo theo. Tuy nhiên, các chính phủ cần đề ra kế hoạch trung hạn đáng tin cậy để cải thiện vấn đề tài chính hoặc đối mặt với nguy cơ mất đi sự ủng hộ của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và nhà đầu tư.

Cần lưu ý rằng quyết định của Fed duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài đã đem lại cho ASEAN một "thời gian xả hơi" hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ hỗ trợ thái quá của Mỹ và việc Fed ngày càng "khoan dung" với lạm phát cao ở Mỹ đã làm gia tăng áp lực hơn nữa lên đồng USD. Điều này dẫn đến sự tăng giá của tiền tệ các nước ASEAN và làm suy yếu tính cạnh tranh trong xuất khẩu của khối này.

Ngoài ra, lãi suất thấp trong những giai đoạn dài cũng có nguy cơ dẫn đến lạm phát giá tài sản và có thể dẫn đến những rủi ro về ổn định tài chính. Cách thức các nhà hoạch định chính sách xử lý vấn đề này trong một thế giới tràn ngập thanh khoản là điều quan trọng.

Bên cạnh đó, căng thẳng đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng những lo ngại rằng kỷ nguyên toàn cầu hóa sẽ kết thúc. Chủ nghĩa dân tộc gia tăng là điều có thể hiểu được, nhưng đi một mình sẽ là tự thất bại. Một đất nước không thể phát triển thịnh vượng nếu nước này thành công trong kiểm soát dịch bệnh còn các nước láng giềng thì không. Cần đảm bảo rằng đại dịch này phải được kiểm soát tốt ở tất cả mọi nơi.

COVID-19 đã đem lại những thay đổi rất lớn về cơ cấu. Nhìn chung, ASEAN đã thực hiện các biện pháp để xử lý đại dịch và hậu quả kinh tế kéo theo. Tuy nhiên, sự phối hợp tốt hơn và hội nhập chặt chẽ hơn có ý nghĩa then chốt đối với khu vực - không chỉ để phục hồi mà còn để phát triển thịnh vượng. Về vấn đề này, việc kết thúc thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng ASEAN vẫn cam kết với chủ nghĩa đa phương và đang nỗ lực đáp ứng những điều kiện cần thiết để phục hồi nền kinh tế khu vực.
 

Học Forex Online

*Được tài trợ Livestream

Theo dõi chúng tôi

Bên trên