Mỹ siết chặt phong tỏa Huawei, Trung Quốc liệu có ra tay ứng cứu?

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 414
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Sự hoan hỉ của tập đoàn công nghệ Huawei khi soán ngôi vị nhà sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới của đối thủ Hàn Quốc Samsung trong quý II/2020 đã không kéo dài sau khi Mỹ gia tăng gây áp lực đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này.

R20190131 Huawei US flag_2048x1152.jpg


Hôm 17/8, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở rộng các biện pháp hạn chế công bố hồi tháng Năm đối với Huawei nhằm ngăn chặn công ty này thu mua các chất bán dẫn mà không có giấy phép đặc biệt, bao gồm cả các vi mạch do những hãng nước ngoài sản xuất, được phát triển và sản xuất với công nghệ và phần mềm của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng bổ sung 38 chi nhánh của Huawei trên thế giới vào danh sách đen kinh tế của Chính phủ Mỹ, nâng tổng số lên 152 chi nhánh kể từ khi Huawei lần đầu tiên bị đưa vào danh sách này hồi tháng 5/2019. Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh các quy định hạn chế mới lập tức có hiệu lực nhằm ngăn Huawei dùng các công ty con ở nước ngoài để “né” các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Nhiều nhà phân tích đã lập tức cho rằng quyết định mới nhất này của Chính quyền Tổng thống Donald Trump là một “đòn chí mạng” đối với Huawei. Theo nhận xét của hãng tin Reuters, quyết định trên của Mỹ đã lấp đi lỗ hổng của lệnh cấm đã ban hành vào tháng Năm vừa qua mà Huawei được cho là đã lợi dụng để tiếp tục hoạt động sản xuất.

Theo báo Anh Financial Times, đối với Washington, quyết định mới ban hành là đỉnh điểm của một cuộc chiến kéo dài 15 năm chống lại Huawei, bắt đầu khi công ty này cố gắng thâm nhập thị trường Mỹ lần đầu tiên vào đầu những năm 2000. Vào năm 2019, Washington đã bắt đầu nhắm vào Huawei với nhiều lệnh trừng phạt, nhưng hai quyết định trước đây đều không ảnh hưởng đáng kể.

Một nhà phân tích công nghệ tại hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh nhận định, các sản phẩm của Huawei từ điện thoại thông minh cho đến hạ tầng cơ sở mạng đều cần đến vật liệu bán dẫn, với hai ngành này chiếm đến 90% hoạt động kinh doanh của Huawei. Theo chuyên gia này, “nếu không có khả năng sản xuất những sản phẩm đó, Huawei sẽ không còn là Huawei nữa”.

Giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ siết chặt lệnh cấm với Huawei sẽ khiến tập đoàn này lún sâu vào khó khăn. Thực tế sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2019, Huawei tăng cường việc tự thiết kế chip và đặt TSMC sản xuất dòng Kirin cho điện thoại thông minh (smartphone), cũng như các chip cho trạm cơ sở 5G, chip AI, máy chủ... Bên cạnh đó, tự phát triển chip là chiến lược hàng đầu của Huawei để giúp họ đứng vững trên thị trường smartphone và các thiết bị phần cứng khác. Nhờ đó, Huawei hạn chế được sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng Mỹ như Qualcomm hay Broadcom.

Tuy nhiên, với lệnh cấm mới của Mỹ, hãng sẽ gặp thách thức lớn khi chuyển sang dùng chip của MediaTek hay Unisoc cho smartphone cao cấp của mình. Việc phải sử dụng chip của đối thủ là giải pháp "cực chẳng đã", bởi điều đó sẽ làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tác động lớn đến hoạt động kinh doanh điện thoại của hãng. Bộ phận smartphone của Huawei có thể vẫn ổn trong phần còn lại của năm 2020, nhưng hai năm tiếp theo, cuộc chơi sẽ hoàn toàn khác.

Trước động thái của Mỹ, giới chức Trung Quốc tuyên bố nước này kiên quyết phản đối sự đàn áp của Mỹ đối với Huawei. Trong một phát biểu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nhấn mạnh rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền hợp pháp của người Trung Quốc.

Báo Financial Times đã nêu bật mối lo ngại của các tập đoàn viễn thông thế giới trước khả năng Huawei bị sụp đổ dù một số chuyên gia vẫn giữ thái độ thận trọng, cho rằng còn quá sớm để nói đến “ngày tàn” của Huawei, vì Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ "ra tay giải cứu" doanh nghiệp hàng đầu của minh.

Theo Financial Times, giám đốc điều hành một tập đoàn viễn thông châu Âu đã gọi viễn cảnh Huawei - nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường - bị sụp đổ là “thảm họa”. Theo người này, các nhà mạng hiện đã phải gánh chịu thêm chi phí do việc phải giảm số lượng thiết bị Huawei do áp lực chính trị ngày càng tăng ở các nước phương Tây từ Australia đến Anh. Việc Huawei sụp đổ vì không có linh kiện điện tử cần thiết để sản xuất, sẽ đè nặng trên các tập đoàn viễn thông đang dựa vào sản phẩm của Huawei như BT (Anh), Deutsche Telekom (Đức) và Swisscom (Thụy Sỹ), hiện đang sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng băng thông rộng của họ.

Financial Times chỉ ra rằng Huawei đã cẩn thận xây dựng kho dự trữ chip từ khi Washington gia tăng sức ép với tập đoàn cách đây hai năm. Mặc dù nghi ngờ khả năng tập đoàn Trung Quốc đã có dự trữ đủ cho hai năm hoạt động sắp tới, tờ báo này công nhận rằng Huawei có đủ vật liệu để tiếp tục hoạt động trong sáu tháng nữa. Sáu tháng này nghĩa là chờ đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầu tháng 11/2020, và nếu đại diện đảng Dân chủ Joe Biden thắng cử thì Mỹ có thể giảm nhẹ áp lực với Huawei. Tuy nhiên, những hy vọng này cũng khá mong manh.

Theo nhận định của ông Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Chính trị kinh tế quốc tế châu Âu, trụ sở tại Brussels, những người có kinh nghiệm ở Trung Quốc hiểu rằng khả năng ông Biden hữu hảo dài lâu với Trung Quốc không nhiều, và “tuần trăng mật giữa Bắc Kinh với Chính quyền của ông Biden, trong trường hợp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, sẽ khó kéo dài vì Trung Quốc không thể thay đổi chính sách của họ một cách cơ bản”.

Nhiều quy định của Bắc Kinh vẫn làm cho chính phủ các nước phương Tây bất bình, khiến họ cứng rắn với Huawei và Trung Quốc nói chung, như như luật an ninh của Trung Quốc. Luật này đòi hỏi các tập đoàn và người dân Trung Quốc hỗ trợ cho cơ quan an ninh Trung Quốc khi được yêu cầu, do đó việc này làm dấy lên lo ngại về hoạt động gián điệp.

Trước tương lai “u ám” của Huawei, một số nhà quan sát tin rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách nâng đỡ tập đoàn của mình. Một nhà điều hành trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng “Huawei quá lớn để có thể bị bỏ rơi. Bắc Kinh sẽ chắc chắn trợ giúp”. Vấn đề là bằng cách nào.

Một số chuyên gia khác cho rằng Huawei khó có thể tiếp tục hoạt động dưới hình thức hiện nay, dưới áp lực trừng phạt của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ đóng vai trò trong việc tái cơ cấu công ty, nhưng điều này sẽ biến Huawei thành điều mà Mỹ luôn cáo buộc nhưng Huawei luôn lớn tiếng phủ nhận, đó là một tập đoàn nhà nước Trung Quốc.
 
Bên trên