Những cơ hội mới mở ra cho ngành dược thế giới

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 424
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Trang mạng Arab News vừa có bài phân tích về ngành dược thế giới trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hoành hành ở khắp nơi trên thế giới. Bài viết cho rằng chính đại dịch này đã mở ra nhiều cơ hội đối với ngành dược toàn cầu.

shutterstock_1692105757-1.jpg


Theo tác giả bài viết, ông Basil M.K. Al-Ghalayini, vốn là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tài chính BMG, các chỉ số thị trường chứng khoán toàn cầu đã biến động kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, gây bất ổn thế giới theo cách chưa từng thấy kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, đang trở thành cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn trên toàn cầu, đặc biệt là ở Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Các quỹ đầu tư nhà nước lớn, bao gồm Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia (PIF) và Quỹ tài sản quốc gia của Nga, cũng như các văn phòng gia đình toàn cầu và các nhà đầu tư thuộc các tổ chức, đang “săn lùng” cơ hội trong các công ty dược phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm được dự báo sẽ là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất để đầu tư trong 5 năm tới. Công ty Babylon Healthcare Services của Anh đã huy động được khoản tín dụng trị giá lên tới 550 triệu USD, qua đó đưa công ty này lên một đẳng cấp mới. Theo Bloomberg, công ty này chuyên cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, theo dõi và kiểm tra sức khỏe, tư vấn y tế và các giải pháp hỗ trợ.

Ngoài ra, Babylon Healthcare Services còn cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa với các bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe bằng hình thức tin nhắn bằng văn bản và video thông qua ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, Babylon Healthcare Services có thể phục vụ khách hàng trên toàn thế giới và mô hình này đang phát triển nhanh chóng.

PIF đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm ở trong nước trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát thông qua việc đồng sáng lập Công ty Mua sắm Vật tư Y tế Thống nhất Quốc gia (NUPCO). Đây là một công ty được thành lập nhằm tiêu chuẩn hóa các hoạt động mua sắm của các tổ chức y tế thuộc Chính phủ Saudi Arabia. PIF đặt mục tiêu nội địa hóa ngành dược phẩm, lắp ráp các thiết bị và dụng cụ y tế như một phần của kế hoạch cải cách trong Tầm nhìn 2030 của Vương quốc giàu dầu mỏ này.

Chính phủ Saudi Arabia đang có kế hoạch chi tới 180 tỷ USD cho lĩnh vực chăm sóc y tế trong 5 năm tới nhằm đối phó với những thách thức liên quan đến lĩnh vực y tế công cộng ở nước này. Do đó, các nhà đầu tư sẽ tìm thấy những cơ hội đáng kể trong toàn bộ lĩnh vực này, trong đó có cả ngành dược. Theo các chuyên gia, khoảng 40% dược phẩm được sản xuất trong nước. Thị trường dược phẩm của Saudi Arabia ước tích có trị giá khoảng 8 tỷ USD, trở thành thị trường lớn nhất ở khu vực Trung Đông.

Cũng có chung nhận định đó, BMG chia sẻ định hướng chiến lược toàn cầu của PIF và các quỹ đầu tư của chính phủ khác. Đầu năm nay, với sự hợp tác của đối tác là hãng dược phẩm sinh học Acedra có trụ sở tại Saudi Arabia, BMG bắt đầu đưa vào danh sách chọn lọc các công ty dược sinh học toàn cầu đang phát triển nhanh và có triển vọng ở Anh, Pháp, Đức và Mỹ.

Các công ty này càng đạt tiến triển trong thử nghiệm lâm sàng và càng tiến gần hơn tới việc được các cơ quản lý thực phẩm và dược phẩm phê duyệt và cấp phép lưu hành sản phẩm của họ trên thị trường, thì họ càng trở nên hấp dẫn hơn, và được coi như một cơ hội đầu tư.

Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây cho thấy các nhà sản xuất dược phẩm trên khắp thế giới đang nỗ lực chạy đua với thời gian để tăng công suất cũng như năng suất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dược phẩm trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu này.

Đáng chú ý nhất là cuộc đua sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19, với sự tham gia của hầu hết các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới cùng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ các nước, đặc biệt là các cường quốc như Nga, Mỹ và một số nước châu Âu vốn có thế mạnh trong ngành dược, và cả Trung Quốc. Đến nay cuộc đua ở quy mô toàn cầu này dường như vẫn chưa ngã ngũ kể cả sau khi Nga tuyên bố họ đã phê duyệt vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới và chuẩn bị sản xuất hàng loạt.

Thực tế cho thấy nhiều lĩnh vực kinh tế đã lao đao hay thậm chí rơi vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng do COVID-19 thì cũng có những ngành như ngành dược hay lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lại có được cơ hội “vàng” để phát triển. Giới chuyên gia kinh tế dự báo rằng vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ tác động mạnh tới thị trường chứng khoán toàn cầu.

Cổ phiếu của các hãng dược phẩm lớn của Mỹ và châu Âu đang trở thành mặt hàng được nhiều nhà đầu tư tìm kiếm và “săn lùng” trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thời đại dịch đang thay đổi nhanh chóng và ngày càng nhiều người quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe.
 
Bên trên