Quan hệ thương mại Mỹ-Trung vẫn ổn định

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 232
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Căng thẳng Mỹ-Trung ngày một leo thang, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19, vấn đề nhân quyền, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và quyền kiểm soát các mũi nhọn khoa học công nghệ tương lai...

1599565562684.png


Mặc dù vậy, điều bất ngờ là mối quan hệ thương mại giữa hai nước, vốn được coi là ngòi nổ của cuộc đấu tranh ấy, đến nay vẫn ổn định.

Tại cuộc họp báo ngày 11/8/2020, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, Trung Quốc đang tiếp tục mua hàng hóa Mỹ, đặc biệt là hàng tiêu dùng, bất chấp căng thẳng giữa hai nước về vấn đề Hong Kong và nhiều vấn đề khác. Theo ông Larry Kudlow, hai nước Mỹ-Trung hiện vẫn giữ mối liên hệ trong lĩnh vực thương mại và mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp.

Tuy nhiên, phải thấy rằng kể từ khi Mỹ-Trung ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 1/2020 tới nay, quan hệ giữa hai nước đã phát sinh nhiều thay đổi. Thỏa thuận này nhằm làm giảm áp lực thuế của Chính phủ Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời tránh cho hàng hóa Trung Quốc bị áp thêm thuế trừng phạt mới. Đổi lại, Bắc Kinh đồng ý mua một lượng nông sản, năng lượng và dịch vụ của Mỹ trị giá hàng trăm tỷ USD.

Tuy nhiên, sự lây lan của dịch bệnh đã giáng đòn nặng nề vào kinh tế toàn cầu. Hậu quả là Washington hướng mũi nhọn vào Trung Quốc với cáo buộc thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm trong việc xử lý dịch bệnh. Bên cạnh đó, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư của cá nhân, doanh nghiệp, Mỹ còn siết chặt “vòng kim cô” đối với một số “ông lớn” công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei, ZTE…, đồng thời đe dọa cấm sử dụng một số ứng dụng có độ bao phủ rộng của nước này như TikTok, WeChat…

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng dù căng thẳng Mỹ-Trung liên tục được mở rộng, thỏa thuận thương mại giai đoạn một vẫn không bị tổn hại, bởi theo ông Larry Kudlow, Trung Quốc đã tăng mạnh hoạt động mua bán hàng hóa Mỹ.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USAD) cũng cho thấy chỉ trong tháng 7/2020, Trung Quốc đã mua khoảng 4,6 triệu tấn đậu tương từ Mỹ. Nghiên cứu viên cao cấp David Dollar thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc John L. Thornton trong Viện Brookings nhận định: “Dù phải đối mặt với vấn đề an ninh và chia rẽ trên phương diện nhân quyền, Mỹ-Trung vẫn duy trì quan hệ bền vững trong lĩnh vực kinh tế”. Theo chuyên gia này, hiện nay hai bên đều có lợi trong việc duy trì quan hệ kinh tế ổn định.

Ngày 25/8/2020, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Thông báo do Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) phát đi sau đó cho hay “cả hai phía đều nhìn thấy tiến bộ và cam kết thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo sự thành công của thỏa thuận". Bộ Thương mại Trung Quốc cũng xác nhận hai bên đã có một "cuộc đối thoại mang tính xây dựng" và đồng ý tạo điều kiện để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Rõ ràng, dù căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, thương mại vẫn là “điểm sáng” trong quan hệ hai nước.

Dù mấy tháng trở lại đây, Washington liên tục công kích Trung Quốc trong vấn đề an ninh quốc gia và trên phương diện khoa học công nghệ, nhưng Bắc Kinh vẫn nỗ lực thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận thương mại, nhằm đảm bảo rằng tối thiểu trong quan hệ hai nước phải có một bộ phận vận hành bình thường.

Báo cáo của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group chỉ rõ mặc dù tính ổn định của thỏa thuận có thể phải chịu áp lực dư luận từ giới truyền thông trong nước, nhưng Bắc Kinh có thể không muốn phá hoại thỏa thuận này. Ngoài việc phá vỡ thỏa thuận sẽ khiến Bắc Kinh phải đối mặt với những rủi ro kinh tế từ khả năng Mỹ nâng thuế quan áp vào hàng hóa Trung Quốc, việc thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một còn là cách mà Bắc Kinh sử dụng để làm giảm nhiệt căng thẳng giữa hai nước.

Trên thực tế, các quan chức Trung Quốc đã nỗ lực rất nhiều trên phương diện này. Trong một bài viết gần đây, Chủ nhiệm Văn phòng của Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì nhấn mạnh “cánh cửa giao lưu giữa Trung Quốc và Mỹ luôn mở” và “Trung Quốc mong muốn hợp tác với Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện thỏa thuận thương mại này”.

Ngoài mong muốn duy trì sợi dây kết nối với Mỹ, tình hình lũ lụt trong nước đang đe dọa tới sản xuất nông nghiệp cũng là một nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc bảo vệ nguồn cung lương thực quan trọng. Nhưng dù vậy, do kinh tế toàn cầu vẫn trong tình trạng suy yếu tới cuối năm 2020, Trung Quốc có thể không thực hiện được các cam kết thương mại đã đưa ra.

Theo công ty chứng khoán Nomura của Trung Quốc, tới cuối tháng 6/2020, Trung Quốc mới mua 40,3 tỷ USD hàng hóa Mỹ, chỉ đạt khoảng 20% mục tiêu của thỏa thuận thương mại. Chuyên gia David Dollar cũng cho rằng trong tình hình hiện nay, thỏa thuận thương mại giai đoạn một về căn bản không thể hoàn thành. Ví dụ, các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi phải có thêm nhiều du khách và sinh viên Trung Quốc tới Mỹ để chi tiêu, nhưng dịch bệnh khiến điều đó không thể xảy ra.

Trước khả năng Trung Quốc không thể thực hiện cam kết đề ra, Chính quyền Tổng thống Donald Trump có hai lựa chọn, hoặc là từ bỏ thỏa thuận thương mại đã ký kết hoặc là để thỏa thuận tiếp tục tồn tại. Theo chuyên gia David Dollar, hủy bỏ thỏa thuận thương mại có thể dẫn tới phản ứng tiêu cực trên thị trường chứng khoán, cho nên, Chính quyền ông Donald Trump có thể sẽ giữ thỏa thuận này. Tuy nhiên, Washington sẽ gia tăng sức ép, yêu cầu Bắc Kinh phải thực hiện cam kết một cách thiết thực hơn như trong lĩnh vực mua sắm nông sản Mỹ.

Một vấn đề khác, quan hệ thương mại Mỹ-Trung còn phải đối mặt với nhân tố không xác định nữa là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo Giáo sư Mauro Guillén thuộc Trường Kinh doanh Wharton, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ làm thay đổi mối quan hệ Mỹ-Trung.

Nếu ông Trump thắng cử, phe cứng rắn ở Nhà Trắng sẽ gia tăng sức ép đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu ứng cử viên Joe Biden thuộc đảng Dân chủ thắng cử, hai bên có thể tìm cách quay lại đàm phán liên quan tới các lĩnh vực khoa học công nghệ, thương mại và an ninh. Việc ngồi lại tìm kiếm phương án giải quyết không chỉ rất quan trọng đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà còn cả đối với phần còn lại của thế giới. Bởi trong 5-10 năm tới, nếu Mỹ-Trung không đối thoại, đàm phán và tìm kiếm nhận thức chung, nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể vận hành suôn sẻ.
 
Bên trên