Rượu sâm banh của Pháp đối mặt với cuộc khủng hoảng lịch sử

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 425
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Tác động của đại dịch COVID-19 đối với thị trường rượu Champagne (còn gọi là rượu sâm banh) của Pháp là mạnh hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

1599915847412.png


Năm 2020 hứa hẹn là năm của mọi kỷ lục ở vùng Champagne, miền Bắc nước Pháp, cũng là quê hương của loại rượu sâm banh nổi tiếng thế giới. Mùa vụ thu hoạch nho đã bắt đầu sớm nhất trong lịch sử sản xuất rượu sâm banh Pháp và hứa hẹn mang lại chất lượng vượt trội. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực đã không che giấu được sự lo ngại.

Vùng Champagne, một trong những lá cờ đầu đóng góp lớn nhất cho ngành sản xuất rượu sâm banh Pháp, đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Dịch bệnh COVID-19, dẫn đến việc phong tỏa toàn quốc, đóng cửa các nhà hàng, quán bar và hộp đêm, đã gây ra thiệt hại to lớn.

LVMH, một tập đoàn quốc tế của Pháp chuyên về các sản phẩm xa xỉ, trong đó có các thương hiệu rượu vang hàng đầu thế giới như Moët & Chandon, Krug, Dom Pérignon, Veuve Clicquot…, đã ghi nhận lượng hàng bán ra sụt giảm đến 30% trong nửa đầu năm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Lanson-BCC và Vranken Pommery, hai đại lý niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo dự báo bi quan nhất, số lượng sản phẩm bán ra có nguy cơ giảm xuống dưới mức 200 triệu chai sâm banh năm nay, so với con số 297 triệu chai của năm 2019.

Sự suy giảm tàn khốc này đã làm yếu đi sự cân bằng vốn có từ nhiều thế hệ giữa những chủ thể trong lĩnh vực này, một bên là 16.100 trang trại trồng nho địa phương, một bên là 360 nhà sản xuất rượu sâm banh. Các nhà sản xuất rượu chỉ sở hữu 10% trong số 33.821 hecta nho địa phương và mua phần lớn nguyên liệu từ những trang trại trồng nho với giá từ 6,20 đến 7,20 euro/kg.

Tuy chất lượng nho năm nay được đánh giá cao, Ủy ban Champagne đã quyết định rằng các chủ trang trại chỉ có thể đưa ra thị trường nhiều nhất 8.000 kg nho trên mỗi ha. Phần còn lại bị cắt bỏ. Con số trên tương ứng với lượng sản xuất 230 triệu chai, giảm 20% so với năm ngoái.

Tệ hơn nữa, việc thanh toán chỉ được đảm bảo với 7.000 kg mỗi ha. Nếu lượng bán ra không vượt quá 200 triệu chai trong năm nay, phần tiền còn lại của vụ thu hoạch năm 2020 sẽ chỉ được thanh toán vào cuối năm 2021. Các chủ trang trại nho có nguy cơ bị cắt giảm đến 30% thu nhập.

Ủy ban Champagne đã đưa ra quyết định như vậy vì triển vọng thị trường rất tồi tệ. Vào cuối tháng 5/2020, nghiệp đoàn sản xuất rượu sâm banh dự kiến sẽ xuất xưởng ít hơn 100 triệu chai so với năm 2019. Doanh thu sẽ giảm xuống còn 3,35 tỷ euro, thấp hơn 34% so với mức thấp lịch sử của năm 2009 (5,05 tỷ euro).

"Rất có thể cuộc khủng hoảng này sẽ kéo dài vài năm", Ủy ban Champagne nhấm mạnh. Tình hình đòi hỏi các biện pháp đặc biệt phải được áp dụng để bảo tồn ngành kinh tế này và bảo vệ giá trị của rượu sâm panh, tránh việc giảm giá bán dẫn đến làm xấu đi hình ảnh của sản phẩm nổi tiếng này.

Tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường rượu sâm banh lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau khi đạt mức kỷ lục lịch sử vào năm 2007 (338 triệu chai), lượng hàng bán ra đã giảm 5% trong năm 2008, sau đó giảm tiếp 9% vào năm 2009, xuống còn 295 triệu chai và với ngưỡng dưới 200 triệu chai năm nay, thị trường Champagne sẽ quay trở lại mức của năm 1985.

Với những dự báo bi quan như vậy và không có triển vọng về thời điểm cũng như mức độ phục hồi của thị trường tiêu thụ, các đại lý lo ngại sẽ ứ đọng kho hàng. Khoảng 1,4 tỷ chai đã được dự trữ từ cuối tháng 7/2019, với một mức dư thừa cao tương đương với lượng bán hàng của 1 năm.

Ở Champagne, nhiều người cáo buộc các thương gia đại lý đã “bôi đen” triển vọng. “40% lượng bán hàng của năm thường được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12, nên không thể đoán trước được tương lai”, một nhà sản xuất rượu giải thích. Ông chủ một đại lý rượu thừa nhận: “Không ai biết được liệu 195 triệu hay 230 triệu chai sẽ được tiêu thụ trong năm. Việc đưa ra quyết định về sản lượng cho những vụ thu hoạch càng khó hơn vì phải dự đoán thị trường sẽ như thế nào vào các năm 2021, 2022 và 2023. Rượu sản xuất từ vụ thu hoạch nho hiện nay sẽ chỉ được đưa ra thị trường sau 2 thậm chí 3 năm nữa".

Theo ông Maxime Toubard, Chủ tịch nghiệp đoàn các nhà trồng nho và sản xuất rượu (SGV), mục tiêu của thương mại trên hết là giảm bớt hàng tồn kho. SGV đã vận động cho phương án thu hoạch 8.500 kg nho trên mỗi ha, trong khi các thương nhân muốn giới hạn ở mức 7.000 kg. “Nếu sản lượng thấp, hậu quả nặng nề sẽ đến với sự biến mất của các trang trại”, ông Maxime Toubard cảnh báo.

Tuy nhiên, ông chủ một đại lý rượu lớn đảm bảo rằng các nhà kinh doanh có thể "quản lý kho dự trữ của họ một cách chính xác nhất". Sự dư thừa đến từ chính những người sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp. Trong bối cảnh này, cần phải bảo vệ cả hai phía sản xuất và thương mại, “và tất cả mọi người phải thắt lưng buộc bụng”, ông nhấn mạnh.

Bằng chứng về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nằm ở chỗ cuộc tranh luận về sản lượng thu hoạch đã dẫn đến sự chia rẽ giữa những người trồng nho. Vào cuối tháng 6, nghiệp đoàn các nhà sản xuất rượu độc lập vùng Champagne, tập hợp 400 nhà làm rượu sâm banh bằng nho từ vườn của họ (15 triệu chai/năm), đã rời khỏi SGV. Theo chủ tịch Yves Couvreur, nghiệp đoàn của ông không đồng ý thu hoạch dưới ngưỡng 9.000 kg cho mỗi ha. Thỏa hiệp cuối cùng, các nhà sản xuất độc lập có quyền sử dụng toàn bộ 8.000 kg nho cho mỗi hecta trong năm nay.

Những người ký kết thỏa hiệp đều tỏ ra hài lòng. "Đây là quyết định công bằng và phù hợp nhất, cho phép những người trồng nho trang trải mọi chi phí", Chủ tịch SGV Maxime Toubard khẳng định. Ông Jean-Marie Barillère, Chủ tịch Liên minh các nhà sản xuất sâm banh, cho biết hệ thống này cho phép người bán nho duy trì mức thu nhập chấp nhận được, cũng như các đại lý đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và bảo tồn vốn.

Như vậy, hiệp hội liên ngành đã chú ý không để làm suy yếu cả người trồng nho và sản xuất rượu, lẫn doanh nghiệp buôn bán rượu. Điều tồi tệ nhất là mặt hàng này sẽ bị phá giá nhằm nhanh chóng thu lại tiền vốn, điều sẽ thúc đẩy các chương trình khuyến mãi mà các hệ thống đại siêu thị ưa chuộng. Việc này đi ngược lại chiến lược của hiệp hội liên ngành nhằm chống lại cuộc chiến giá cả, vốn có hại cho hình ảnh rượu sâm banh.

Cuộc khủng hoảng mà vùng Champagne đang trải qua, tồi tệ nhất trong lịch sử của mình, cũng có thể có nguyên nhân từ người tiêu dùng. Số lượng bán hàng giảm mạnh hơn nhiều so với rượu mạnh và rượu vang, đặc biệt là rượu vang hồng. Hơn nữa, các nhà sản xuất vùng Champagne đã không được hưởng bất kỳ trợ giúp nào từ chính phủ.

Việc giảm doanh số bán rượu sâm banh có thể thúc đẩy các thương hiệu xem xét lại chiến lược tiếp thị của họ. Theo một nhà quản lý cấp cao trong lĩnh vực này, có lẽ cần nhấn mạnh chất lượng sản phẩm trong khi quảng bá về các thời điểm khác nhau phù hợp để uống sâm banh, hơn là chỉ cố định trong những dịp lễ hội hay lễ kỷ niệm như từ xưa đến nay. Tất cả hy vọng tình hình sẽ thay đổi khi những lễ hội truyền thống kéo dài quay trở lại sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh. Song không ai biết đến khi nào...
 
Bên trên