Singapore: Đã tới lúc cần xem xét lại chính sách lao động nước ngoài?

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 453
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Bài phân tích trên báo The Sunday Times ngày 6/9 cho rằng cần phải có một cuộc khủng hoảng như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để “soi chiếu” một số vấn đề và khiến người ta nhận ra điều gì đang thực sự xảy ra. Vấn đề lao động nước ngoài của Singapore là một ví dụ hay cho nhận định này.
1599486479323.png


Trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, ở Singapore điều dường như hết sức rõ ràng là việc lao động di cư từ các nước nghèo trong khu vực đến “đảo quốc sư tử” làm những công việc mà người Singapore không sẵn sàng làm là cách thức ít tốn kém và dễ dàng để phát triển kinh tế. Có thể có những người không đồng tình như vậy, nhưng hầu hết mọi người – trong đó có chính phủ, các doanh nghiệp và hàng trăm nghìn hộ gia đình thuê người giúp việc – đều cho rằng đây là cơ hội quá tốt không nên lãng phí. Thậm chí, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn đã nói rằng Singapore sẽ thật là “ngốc nghếch” nếu không tận dụng điều đó. Có lẽ, đó là một việc làm đúng đắn trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi, không phải do đại dịch.

Giờ đây, có một điều rõ ràng là giải pháp lao động nhập cư bổ sung cho nhu cầu về lực lương lao động Singapore không hề ít tốn kém và dễ dàng. Những khu ký túc xá mới giờ đây được xây dựng theo những tiêu chuẩn nhà ở mới, những sắp xếp công việc mới được thực hiện và những quy định về xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mới được đưa ra, tất cả sẽ làm tăng phí thuê họ.

Các nguồn lực rất lớn đã được sử dụng để xét nghiệm, cách ly và làm sạch các khu ký túc và khu làm việc của lao động nước ngoài. Thậm chí, trong tương lai cũng không dễ thuê nếu những hạn chế đi lại và các biện pháp kiểm soát biên giới tiếp tục được thực hiện.

Khi cộng tất cả những chi phí thêm này, việc thuê một người Bangladesh hay người Myanma có thể không rẻ hơn thuê một người Singapore. Kết quả là, các công ty phải tính toán lại các con số và một loạt doanh nghiệp phụ thuộc vào lao động giá rẻ có thể không còn tồn tại. Điều đó sẽ buộc Singapore phải tính toán lại chiến lược kinh tế của mình.

Công bằng mà nói, việc tính toán lại này đã được Chính phủ Singapore thực hiện cách đây vài năm và các kế hoạch đã được vạch lên đối với các lĩnh vực khác nhau nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của các công ty trong nước. Tuy nhiên, sự biến đổi này không thể được thực hiện một cách từ từ nữa, mà cần phải được tiến hành một cách nhanh chóng và kiên quyết. Không ai có thể chờ đợi khi thế giới đã bất ngờ thay đổi.

Vậy, Singapore cần phải tính toán lại chính sách lao động nước ngoài của mình như thế nào trước những sự thay đổi này? Tuần trước, tại kỳ họp Quốc hội Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói về tầm quan trọng của việc “đảo quốc sư tử” cần tiếp tục mở cửa cho lao động nước ngoài. Hầu hết mọi người đều nhất trí với ông rằng nước này cần họ để bổ sung cho lực lượng lao động địa phương. Tuy nhiên, thực hiện việc đó như thế nào theo cách thức “tăng áp” cho nền kinh tế mà không gây bất lợi cho người Singapore là điều không dễ dàng.

Việc tăng mức lương tối thiểu đối với các chuyên gia nước ngoài từ 3.900 SGD/tháng lên 4.500 SGD/tháng, coi đó là một tiêu chí trong xét cấp thẻ làm việc tại Singapore, là một biện pháp gây thất vọng. Nếu mục đích là để thắt chặt tiêu chuẩn được vào Singapore làm việc, khiến các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn tuyển dụng người Singapore, thì vấn đề đặt ra là: Liệu điều đó có trở thành hiện thực không, hay một số ông chủ sẽ trả lương cao hơn cho lao động nước ngoài nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mới này? Nếu trường hợp sau xảy ra, thì đây có phải là thời điểm thích hợp để tăng chi phí kinh doanh khi mà nền kinh tế Singapore đang phải vật lộn giữa cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất của quốc gia này?

Một số ông chủ có thể không thuê người nước ngoài để tránh phải trả thêm lương, nhưng đây là một giải pháp thiếu bền vững, bởi sẽ có một số người bị cản trở tiếp cận những công việc mà không có người Singapore nào có đủ điều kiện đáp ứng, trong khi những người khác lại được tăng lương đối với những công việc mà người Singapore có thể sẵn sàng đảm nhận. Do đó, biện pháp này không phân biệt được những trường hợp khác nhau.

Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng phải chăng chỉ cần thay đổi một biến số trong công việc phức tạp, liên quan đến cách thức một nước quản lý người lao động nước ngoài và tất cả các vấn đề liên quan như điều kiện tuyển dụng, phúc lợi, trình độ kỹ năng, thời gian ở lại, khả năng hội nhập vào xã hội Singapore… là có thể giải quyết được vấn đề?

Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề phức tạp hơn nhiều và chính quyền sẽ phải mất thời gian để đào tạo lại những lao động địa phương trong các lĩnh vực có tỷ lệ lao động người nước ngoài cao, đồng thời đảm bảo sự công bằng.

Trên thực tế, sự tranh cãi gần đây về số lượng người Ấn Độ làm việc trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng là một ví dụ hay giải thích lý do tại sao quy định về mức lương là một chính sách thiếu thỏa đáng. Mặc dù Chính phủ Singapore có thể đã kiểm soát số lượng người Ấn Độ ở đây, nhưng sự tập trung quá mức của họ vào những lĩnh vực cụ thể mà người Singapore cũng tìm kiếm mạnh mẽ rõ ràng là có vấn đề và không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Singapore đã có kế hoạch nào để thay thế những người Ấn Độ này. Việc tính toán và thực hiện những kế hoạch đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu về ngành này và những gì đang diễn ra.

Về cơ bản, sự bất mãn của người dân Singapore đối với chính sách nhập cư của nước này liên quan đến mối quan ngại của họ về sinh kế, trong đó có việc làm, tiêu chuẩn sống và an sinh hưu trí. Khi họ càng cảm thấy an toàn hơn, thì họ sẽ càng cởi mở hơn với người lao động nước ngoài.

Rõ ràng, không có chính phủ nào có thể đảm bảo an ninh tuyệt đối, nhưng mạng lưới an sinh xã hội của một nước đóng vai trò chính trong việc đem lại mức hỗ trợ tối thiểu. Thủ tướng Lý Hiển Long trong bài phát biểu gần đây trước Quốc hội đã nói rằng Chính phủ sẽ tăng cường sự hỗ trợ này. Nếu chọn đi theo đường hướng này, chính sách nhập cư của Singapore sẽ trở nên dễ chấp nhận hơn đối với người dân.
 
Bên trên