Tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ tiến hành cải cách theo hướng nào?

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 254
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Theo nhật báo Yomiuri, ngày 16/9, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã công bố thành phần nội các mới, trong đó có nhiều gương mặt quen thuộc trong Chính quyền của người tiền nhiệm Shinzo Abe.

1600522520613.png


Điều này thể hiện cam kết tiếp nối các chính sách kinh tế, đối ngoại và an ninh của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, thông điệp đáng chú ý nhất đằng sau sự ra đời của nội các mới này đó là cam kết cải cách của Thủ tướng Suga.

Trong nội các mới, Thủ tướng Suga giữ lại tám bộ trưởng trong chính quyền của người tiền nhiệm, trong đó đáng chú ý có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người đang phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ.

Bên cạnh đó, ông cũng bổ nhiệm lại bảy người đã từng giữ chức bộ trưởng dưới thời Chính quyền của cựu Thủ tướng Abe. Điều này cho thấy ông Suga muốn duy trì ổn định của chính phủ, đồng thời thể hiện cam kết tiếp nối các chính sách của người tiền nhiệm Abe.

Trong 20 thành viên nội các, chỉ có năm bộ trưởng mới được bổ nhiệm lần đầu tiên, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, em trai của cựu Thủ tướng Abe. Họ đều đã nằm trong “danh sách chờ” trong nhiều năm. Điều này có nghĩa họ đã được bầu vào Hạ viện ít nhất năm lần hoặc Thượng viện ít nhất ba lần.

Tuổi bình quân của nội các mới là 60,38, trẻ hơn 1,17 tuổi so với nội các của người tiền nhiệm, trong đó Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi là người trẻ nhất (39 tuổi).

Tính theo nhóm tuổi, các bộ trưởng trong nhóm tuổi 50-59 có 9 người, nhóm tuổi 60-69 có 8 người và nhóm tuổi 70-79 có 3 người (bao gồm cả Thủ tướng Suga). Nội các cũng có hai nữ bộ trưởng là Bộ trưởng Olympic và Paralympic Seiko Hashimoto và Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa.

Đáng chú ý, ông điều chuyển hai vị trí gồm: Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Katsunobu Kato làm Chánh Văn phòng Nội các, một vị trí quan trọng đóng vai trò điều phối chính sách và phát ngôn viên của chính phủ; và Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono làm Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính. Điều này cho thấy các cuộc cải cách quan trọng có thể sắp diễn ra.

Trước đó, ông Suga đã bày tỏ mong muốn xóa bỏ chủ nghĩa cục bộ trong bộ máy hành chính, và việc thiết lập Cơ quan Kỹ thuật số thuộc Chính phủ là trọng tâm của kế hoạch này. Chiều 16/9, ông Suga đã mời Bộ trưởng Cải cách Kỹ thuật số Takuya Hirai tới Văn phòng Thủ tướng và trao cho ông này một tài liệu, trong đó nêu rõ công việc của ông Hirai.

Việc thiết lập Cơ quan Kỹ thuật số là một chính sách quan trọng của chính quyền mới. Ông Hirai, người đã từng làm việc tại tập đoàn Dentsu Inc. và giữ vị trí Chủ tịch hãng phát thanh-truyền hình Nishinippon Broadcasting Co. trước khi trở thành Hạ nghị sỹ, được biết đến là một trong những chuyên gia về công nghệ thông tin trong nội bộ LDP.

Ông Hirai cũng có mối quan hệ cá nhân khá rộng với những người điều hành các doanh nghiệp khởi nghiệp. Việc ông Hirai ủng hộ sự cần thiết phải thành lập cái gọi là cơ quan chuyển đổi kỹ thuật số dường như đã giúp ông này lọt vào mắt tân thủ tướng.

Trước đó, khi còn giữ chức Chánh Văn phòng Nội các, ông Suga đã quyết định chi trả trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt một lần 100.000 yen/người cho tất cả người dân ở Nhật Bản nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã xảy ra trong quá trình sử dụng mã số cá nhân “My Number” để đăng ký nhận trợ cấp đã khiến ông Suga nhận ra rằng các bộ ngành trong chính phủ chậm áp dụng công nghệ kỹ thuật số như thế nào.

Một đề xuất đang được lưu hành trong chính phủ cho thấy cơ quan kỹ thuật số có thể sẽ được thiết lập dưới dạng một cơ quan độc lập với Văn phòng Nội các. Cơ quan này sẽ bao gồm và tập trung hóa Ban Chiến lược Toàn diện về Công nghệ Thông tin-Viễn thông thuộc Ban Thư ký Nội các và các cục liên quan thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông (MIC) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI).

Kế hoạch thành lập cơ quan kỹ thuật số mới có thể sẽ phải vấp phải sự phản đối mạnh mẽ bởi vì, các bộ bị ảnh hưởng sẽ bị cắt giảm ngân sách và quyền hạn. Ông Suga kỳ vọng ông Hirai sẽ xua tan được bất cứ sự phản đối nào và ông cũng có kỳ vọng tương tự đối với ông Taro Kono, người được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính trong Nội các mới.

Công việc của ông Kono là nhằm loại bỏ các khoản chi tiêu và hoạt động lãng phí của Chính phủ. Sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính dưới thời Chính quyền của cựu Thủ tướng Abe vào năm 2015, ông Kono đã thúc đẩy việc rà soát các cơ quan hành chính và các dự án. Ông đã cắt giảm 100 tỷ yen ngân sách liên quan tới năng lượng hạt nhân và các chi phí trong các lĩnh vực khác. Ông Suga rất ấn tượng với năng lực của ông Kono trong việc tổ chức lại bộ máy hành chính.

Tuy nhiên, ông Kono cũng gây ra các phản ứng trong chính quyền khi còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ông đã đưa ra quyết định hủy bỏ việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa lớp Aegis trên bờ vào giữa năm nay mà hầu như không tham vấn trước về vấn đề này. Tuy nhiên, có vẻ như ông Kono không nao núng.

Sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính, ông Kono đã nói với các phụ tá thân cận của mình rằng ông sẽ “xóa bỏ tất cả các khoản chi tiêu lãng phí trong mọi lĩnh vực”. Một số nhà quan sát lo ngại với cách tiếp cận đó, ông Kono có thể châm ngòi cho mâu thuẫn lớn hơn.

Trong khi đó, tân Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato được coi là một người điều phối có khuynh hướng thiên vị cho các bộ.

Mặt khác, ông Suga, người đã từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông, cũng chú trọng tới công tác quản lý Nhà nước về viễn thông. Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Ryota Takeda hầu như chưa từng xử lý các chính sách liên quan tới bộ này.

Một số nhân vật trong LDP đã bày tỏ quan ngại về cách tiếp cận của ông Suga. Một cựu thành viên nội các nói: “Thủ tướng có thể có ý định tự mình chỉ đạo về các vấn đề của Bộ Nội vụ và Truyền thông nhưng nếu ông ấy có quá nhiều việc, nó có thể gây ra sự hỗn loạn trong việc điều hành chính quyền”.
 
Bên trên