Thay đổi thông qua thương mại: Chính sách có còn phù hợp trong quan hệ châu Âu-Trung Quốc?

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 272
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Những thay đổi có thể diễn ra chậm, đôi khi không cảm nhận được và nhiều khi trái ngược nhau. Tuy nhiên, điều chắc chắn là giờ đây châu Âu đang phải đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc.

1601120144160.png


Người châu Âu nhiều khả năng sẽ không “theo chân” Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực và trên toàn thế giới, song những sự kiện xảy ra trong vài tuần qua cho thấy việc tính toán lại về chiến lược hiện đang diễn ra hết sức mạnh mẽ ở các thủ đô của châu Âu, đặc biệt là tại một số quốc gia lớn nhất của lục địa này như Đức hay Pháp.

Một trong những lập luận then chốt mà các nhà chỉ trích Trung Quốc ở Mỹ đưa ra là giả định rằng nếu Trung Quốc càng trở nên gắn bó hơn với thương mại và các thể chế toàn cầu thì nước này sẽ hợp tác hơn đã không còn đúng.

Ngược lại, những người chỉ trích cho rằng Trung Quốc đã biến sức mạnh kinh tế của mình thành sức mạnh quân sự và không hề sẵn lòng giúp đỡ.

* Thay đổi thông qua thương mại

Hầu hết các nhân vật có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ở Mỹ đều cho rằng giả định sai lầm về khả năng của phương Tây nhằm “chế ngự” Trung Quốc này là "phát minh" của Washington, bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Richard Nixon vào những năm 1970 và được tất cả các tổng thống Mỹ sau đó theo đuổi. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một bài phát biểu gần đây đã đặt câu hỏi: “Người dân Mỹ giờ đây phải thể hiện điều gì sau 50 năm can dự với Trung Quốc? Phải chăng học thuyết của các nhà lãnh đạo của chúng ta đã đặt mục tiêu đưa Trung Quốc tiến tới tự do và dân chủ là đúng đắn?”.

Mặc dù điều này có thể khiến nhiều chính trị gia Mỹ ngạc nhiên, song ý tưởng cho rằng một đất nước có thể thay đổi một cách căn bản thông qua thương mại thực sự là ý tưởng của châu Âu. Ý tưởng này trong nhiều thập kỷ vẫn tồn tại cố hữu trong tâm lý chính trị của những người như người Đức với tư duy “thay đổi thông qua thương mại”.

Đức đã sử dụng chính chính sách này trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi nước này bị chia rẽ và cách duy nhất mà người Đức có thể hy vọng để tránh được cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt, đồng thời duy trì một số liên kết với hàng triệu đồng bào bị kẹt ở Đông Đức đằng sau Bức màn sắt, là thông qua thương mại. Chính sách đó đã là một thành công vĩ đại. Đến những năm 1980, không chỉ Đông Đức mà cả Liên Xô cũng đã phụ thuộc vào thương mại và tín dụng tài chính của Đức. Vì vậy, khi toàn bộ hệ thống cộng sản chủ nghĩa sụp đổ và nước Đức thống nhất, những người chủ trương thay đổi thông qua thương mại đã thắng thế với tư cách là những người có tầm nhìn xa trông rộng.

Bởi vậy, điều hoàn toàn có thể hiểu được là Đức và các nước châu Âu khác sẽ cho là hợp lý khi thực hiện một chính sách tương tự với Trung Quốc. Vì nếu Liên Xô với sự nghi ngờ không thể thay đổi đối với phương Tây và quyết tâm của nước này nhằm xuất khẩu hệ tư tưởng của mình ra thế giới có thể bị chế ngự thông qua việc cung cấp hàng tiêu dùng phương Tây, thì những kết quả có thể thậm chí còn tốt hơn trong trường hợp của Trung Quốc - một đất nước từ lâu đã từ bỏ ý định xuất khẩu hệ tư tưởng của mình và chỉ mong muốn phát triển thịnh vượng.

Hiện vẫn còn nhiều chính trị gia ở Đức tin vào khái niệm này. Bộ trưởng Kinh tế Đức - một nhân vật thân cận với Thủ tướng Angela Merkel - gần đây đã phát biểu rằng sự can dự kinh tế với Trung Quốc vẫn là điều bắt buộc bởi, như ông nói: “Tôi vẫn tin rằng thay đổi có thể đạt được thông qua thương mại”. Nhưng những quan điểm như vậy - chỉ cách đây vài năm có thể được coi là một tuyên bố xác đáng - giờ đây trong trường hợp tốt đẹp nhất được coi là ngây thơ, còn trong trường hợp xấu nhất được coi là nguy hiểm. Vì trên thực tế, việc so sánh giữa các chính sách “thay đổi thông qua thương mại” mà Đức và phần còn lại của châu Âu áp dụng với Liên Xô với các chính sách mà châu Âu đã tìm cách áp dụng với Trung Quốc đơn giản là không thích hợp.

* Những hy vọng chưa thành hiện thực

Tuy nhiên, Trung Quốc đã khôn ngoan sử dụng sự can dự với hệ thống thương mại thế giới và nguồn đầu vào tài chính phương Tây để “đại tu” nền kinh tế quốc gia. Bởi vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi cuối cùng họ không những trở thành một nền kinh tế đáng gờm mà còn trở thành những người chủ trong chính “ngôi nhà” của mình.

Trong một thời gian, người châu Âu vẫn tự thuyết phục mình rằng nếu Trung Quốc không thể bị thay đổi, thì ít nhất cách thức này có thể giúp châu Âu tránh được suy giảm kinh tế. Hết lần này đến lần khác, các nhà lãnh đạo châu Âu đã bay đến Bắc Kinh hoặc “trải thảm đỏ” chào đón các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Những hợp đồng thương mại giá trị rất lớn đã được ký kết với sự chào đón nồng nhiệt, hứa hẹn những sự giàu có không kể xiết sẽ đến thông qua “những con đường tơ lụa” mới được thiết lập.

Việc nhiều trong những thỏa thuận lớn này chưa bao giờ trở thành hiện thực đã không phải là vấn đề quan trọng. Tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu đã vẫn tin rằng đất nước của mình sẽ trải qua thời kỳ phát triển thịnh vượng. Người Pháp cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường bất tận cho hàng hóa xa xỉ của mình, người Đức coi Trung Quốc là thị trường hàng đầu cho máy móc công nghiệp và ô tô của họ, và người Anh tự thuyết phục mình rằng tiền của Trung Quốc có thể duy trì ưu thế tài chính của London.

Tuy nhiên, hầu hết những niềm hy vọng này giờ đây đã tiêu tan. Không ai nghi ngờ rằng Trung Quốc vẫn là một thị trường then chốt. Tuy nhiên, người châu Âu đang mất kiên nhẫn với những cản trở mang tính hành chính quan liêu như buộc phải chuyển giao công nghệ, trợ cấp và những rào cản ngầm theo xu hướng bảo hộ khác mà Trung Quốc thực hiện trong các giao dịch thương mại của nước này. Thương mại công bằng và bình đẳng giờ đây quan trọng hơn là có nhiều trao đổi thương mại hơn. Và sự tương hỗ là “từ khóa”.

* Châu Âu ngày càng mất kiên nhẫn

Sự mất kiên nhẫn của các nước châu Âu càng trở nên rõ ràng vào tuần trước tại Hội nghị thượng đỉnh hàng năm EU-Trung Quốc. Thủ tướng Đức Angel Merkel dự định đưa hội nghị thượng đỉnh năm nay trở thành một cuộc hội thảo, một cuộc gặp nhằm cài đặt lại mối quan hệ, một phần vì bà chủ trì hội nghị do Đức hiện nắm giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của EU, và một phần vì bà và các chính trị gia châu Âu khác đã tự thuyết phục mình rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức của ông giờ đây hiểu được sự cấp thiết phải làm một điều gì đó để giải quyết những mối lo ngại của châu Âu.

Tuy nhiên, cuối cùng hội nghị thượng đỉnh này nhìn chung là một thất bại. Ngoài việc nhắc lại những cụm từ sáo rỗng về sự cần thiết phải hợp tác và một thỏa thuận nhằm bảo vệ những thương hiệu nông sản của châu Âu, vốn chiếm 2% thương mại của châu Âu với Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình không đưa ra sự nhượng bộ nào.

Sự bực tức gia tăng của EU trước việc không đạt được tiến bộ này đã được thể hiện trong thông cáo được đưa ra sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc. Thông cáo này đã nhắc lại “những cam kết quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc năm 2019 và nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện những cam kết này theo một cách thức tích cực và hướng đến kết quả bởi tiến bộ đạt được đến ngày hôm nay là rất hạn chế”, một ngôn ngữ “thẳng thừng” mà hiếm khi người châu Âu sử dụng trước đó. Và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cơ quan tập hợp những người đứng đầu nhà nước và chính phủ của EU, thậm chí còn đi xa hơn khi ông thẳng thắn viết dòng tweet sau hội nghị thượng đỉnh: “Nói thôi là chưa đủ; đã đến lúc cần biến lời nói thành hành động và biến những cam kết thành việc làm”.

Những căng thẳng thương mại nhiều khả năng sẽ chỉ tăng lên khi Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp với ngay cả Đức, nền kinh tế hùng mạnh nhất của châu Âu. Thị phần của Đức trong thương mại thế giới về hàng hóa chế tạo cơ khí – một trong những thế mạnh của nước này – đã giảm từ khoảng 20% cách đây một thập kỷ xuống chỉ còn 16% vào năm 2019, trong khi thị phần của Trung Quốc tăng từ chỉ 8% lên 13,5% trong cùng thời kỳ. Và trong lĩnh vực ô tô, một thế mạnh khác của Đức, thì chính Trung Quốc lại dẫn đầu trong việc phát triển ắc quy - bộ phận sẽ chiếm khoảng một nửa giá trị của các xe ô tô điện trong tương lai. Các chính trị gia Đức đột nhiên nhận ra rằng thị trường xuất khẩu lớn duy nhất của họ bên ngoài châu Âu không phải là Trung Quốc, mà là Mỹ.

* Một chính sách can dự khác?

Tất cả những điều này không có nghĩa là người châu Âu sẽ sao chép mô hình của Mỹ trong công cuộc đối phó với Trung Quốc thông qua những đe dọa, tẩy chay hay thuế quan. Niềm hy vọng ở châu Âu là “Lục địa Già” vẫn có thể phát triển một chính sách can dự khác với Bắc Kinh, một chính sách tránh đối đầu trong các vấn đề về an ninh.

Tuy nhiên, như chính văn kiện chính sách đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được công bố của Đức, theo đó Đại sứ Đức tại Singapore nêu rõ các nước châu Âu chủ chốt giờ đang phải vật lộn với những tác động dài hạn của sự thay đổi cách tiếp cận của họ. Các nước này chấp nhận rằng sự hiện diện của họ ở châu Á không chỉ là một sự lựa chọn mà là điều cần thiết, và có nhiều điều liên quan đến châu Á hơn là chỉ Trung Quốc. Chắc chắn, sự đánh giá lại này cần được đưa ra từ cách đây rất lâu.

Vấn đề giờ đây là liệu Đức và các nước châu Âu khác có sẵn sàng vượt ra ngoài những nguyên tắc chung của những lập trường mới của họ hay không. Vì như Tiến sỹ Andreas Fulda, học giả người Đức chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ với Trung Quốc, chỉ rõ chính sách mới được công bố gần đây của Đức “thậm chí không đề xuất một đầu mối mang tính thăm dò nào về việc Đức có ý định giải quyết những sự mất cân bằng quyền lực đang tồn tại trong khu vực như thế nào”.

Thay vào đó, chính sách này nêu lên một cách mơ hồ mong muốn can dự hơn nữa mà không chỉ ra cụ thể theo cách thức nào, hay người châu Âu cần phải làm gì để chống lại những thế lực có thể muốn gây mất ổn định khu vực châu Á. Nói tóm lại, vẫn chưa có cách tiếp cận cụ thể nào với Trung Quốc được đưa ra.

Tuy nhiên, xu hướng từ các bên tham gia chủ chốt khác của châu Âu là không thể nhầm lẫn. Vương quốc Anh đã công khai tuyên bố rằng ít nhất một trong những tàu sân bay của nước này có khả năng sẽ dành phần lớn thời gian để hoạt động xung quanh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tham gia các cuộc tập trận hải quân với các quốc gia khác. Và Pháp là nhà cung cấp vũ khí lớn không chỉ cho Ấn Độ mà còn cho Australia. Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức đã cùng đặt bút ký vào một đệ trình pháp lý chung lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thẳng thừng phủ nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Có thể nói, Trung Quốc đã cho thấy không thể sửa đổi theo khái niệm “thay đổi thông qua thương mại”. Tuy nhiên, điều nghịch lý là giờ đây chính những người châu Âu mới đang bị thay đổi bởi các thực tế thương mại.
 
Bên trên