Thế khó của Đức trong dự án "Dòng chảy phương Bắc 2"

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 304
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Sau khi Chính phủ Đức ngày 2/9 tuyên bố nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, truyền thông Đức đã đưa ra những đánh giá về ảnh hưởng của vụ việc đối với dự án kinh tế quan trọng "Dòng chảy phương Bắc 2" giữa Đức và Nga.

1599581181307.png

Vụ đầu độc Navalny đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về mức độ mà Đức và Liên minh châu Âu (EU) nên chống trả bằng các biện pháp kinh tế trong cuộc xung đột với Điện Kremlin. Biện pháp trừng phạt chống lại Nga và việc chấm dứt dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" đang được thảo luận. Theo giới phân tích, khả năng gây hại cho nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt kinh tế là rất lớn: 42% hàng xuất khẩu của Nga - đặc biệt là nguyên liệu thô - được xuất sang 27 nước EU năm 2019. EU là khách hàng quan trọng nhất của Nga và là nhà đầu tư lớn nhất ở nước này.

Truyền thông cho rằng Chính phủ Đức đang mắc kẹt với dự án đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" gây tranh cãi. Tuy nhiên, dù án này (hiện đã gần hoàn thành) sẽ bị ảnh hưởng do vụ đầu độc Navalny, Berlin sẽ không thể kết thúc nó.

Về lý thuyết, Đức vẫn có thể ngăn chặn việc hoàn thành đường ống, vì ngày càng nhiều chính trị gia ở nước này đang yêu cầu đáp trả vụ đầu độc. Nhưng làm thế nào để việc dừng dự án có thể được thực thi vẫn chưa rõ ràng. Tất cả các giấy phép cần thiết cho việc xây dựng "Dòng chảy phương Bắc 2" đã được cấp từ lâu. Nếu chúng bị thu hồi, các nhà khai thác sẽ phải đối mặt với yêu cầu bồi thường thiệt hại cao khi khoảng 10 tỷ euro đã được đầu tư xây dựng đường ống.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức Norbert Röttgen ngày 3/9 chỉ trích và lên án một cách khắc nghiệt về vụ đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny . Nếu dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" hoàn thành sẽ là sự xác nhận tối đa để Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục với chính sách tàn bạo nói trên. Ông Röttgen kêu gọi một điều thực tế là điều cấm kỵ trong chính phủ liên bang trong nhiều năm: Sự kết thúc của "Dòng chảy phương Bắc 2".
Đại dự án "Dòng chảy phương Bắc" được coi là dự án bất khả xâm phạm của mối quan hệ Đức-Nga trong 15 năm qua. Cựu Thủ tướng Đức Schröder và Tổng thống Putin đã đồng ý xây dựng một đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển Baltic giữa Nga và Đức vào năm 2005. Dự án "Dòng chảy phương Bắc 1" đã hoạt động từ năm 2012. "Dòng chảy phương Bắc 2" đã được xây dựng từ năm 2018 và sẽ chạy song song, mang thêm nhiều khí đốt của Nga đến Đức, không đi qua Đông Âu.

Phó lãnh đạo nhóm nghị sĩ FDP nói rằng, việc xây dựng đường ống không thể tiếp tục trong những trường hợp này. Đã đến lúc phát triển một vị thế chung của châu Âu. Nga cũng phải đối mặt với vụ việc tại tất cả các cơ quan chủ chốt trên thế giới - bao gồm Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu. Trong khi đó, người phát ngôn chính sách đối ngoại của nhóm nghị sĩ SPD tỏ ra thận trọng đối với "Dòng chảy phương Bắc 2", bởi ông cho rằng sử dụng dầu khí làm vũ khí chính trị là "con dao hai lưỡi" vì các bên phụ thuộc lần nhau về an ninh năng lượng.

Theo giới phân tích, vụ án Navalny chưa phải là bước ngoặt với dự án "Dòng chảy phương Bắc 2". Không phải các chuyên gia y tế, mà là Chính phủ Đức công bố kết luận điều tra vụ đầu độc. Đại sứ Nga đã được triệu tập. Một chính trị gia hàng đầu trong đảng của Thủ tướng Đức Merkel đã lên tiếng chất vấn về dự án. Nhưng "Dòng chảy phương Bắc 2" rất khó có thể bị thay đổi chỉ vì vụ đầu độc ông Navalny, bởi nhiều điều trước đó cũng bị bỏ qua mà không có hậu quả gì.

Thủ tướng Merkel dường như không muốn nhân cơ hội này để chấm dứt dự án "Dòng chảy phương Bắc 2". Gần đây, bà Merkel cũng đã tái khẳng định rằng dự án sẽ được hoàn thành. Ngay cả khi đối mặt với các mối đe dọa trừng phạt từ Quốc hội Mỹ, bà Merkel coi những biện pháp trừng phạt vượt ra ngoài lãnh thổ của Mỹ là bất hợp pháp.

Trong 15 năm qua, ông Putin được cho là đã tiến hành chiến tranh ở Gruzia, Syria, miền đông Ukraine và sáp nhập Crimea. Nga cũng được cho là phá hoại các cuộc bầu cử ở châu Âu và châu Mỹ. Trong nhiều năm qua, những chỉ trích từ các đối tác Đông Âu của Đức về đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" vẫn tiếp tục gia tăng. Cho đến nay, Đức đã ủng hộ dự án trước sự chỉ trích lớn từ cả Ủy ban châu Âu và các nước thành viên Đông Trung Âu, mặc dù nó chủ yếu phục vụ các mục đích địa chính trị.

Về trung hạn, đường ống sẽ giúp Nga vượt qua Ukraine về xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Đối với Ukraine, điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính, mà trên hết là vấn đề an ninh. Cho đến nay, Moskva vẫn phụ thuộc vào việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Nhưng nếu điều này chấm dứt, Ukraine có thể sẽ đối mặt với bất ổn. Thậm chí, leo thang xung đột sẽ gây thiệt hại lớn cho Ukraine.

Thủ tướng Merkel vẫn lên tiếng ủng hộ việc hoàn thành "Dòng chảy phương Bắc 2". Nếu Đức không từ bỏ dự án, đó sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cả về mặt kinh tế và biểu tượng cho Kremlin rằng sự phẫn nộ về vụ tấn công bằng chất độc nhằm vào ông Navalny sẽ không có hậu quả gì. Do đó, Berlin cần cân nhắc các biện pháp trừng phạt để buộc Kremlin thay đổi cách tính toán "thiệt-hơn" trước khi tiến hành những hành động tương tự.

Thủ tướng Merkel gắn bó với "Dòng chảy phương Bắc 2" không có nghĩa là bà bỏ qua vụ đầu độc Navalny. Hiện vẫn chưa rõ liệu bà Merkel có nhượng bộ trước áp lực từ các nước EU khác hay không. Giới chuyên gia đề xuất một giải pháp hợp lý là gắn việc hoàn thành "Dòng chảy phương Bắc 2"với các yêu cầu chính trị.

Bà Merkel đã bác bỏ đường lối khắc nghiệt của Mỹ, vì vậy bà được lòng nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, với việc ủng hộ "Dòng chảy phương Bắc 2", bà Merkel và nước Đức ngày càng bị cô lập ở châu Âu. Trong vụ việc Navalny, Chính phủ Đức đã tự đặt mình vào tình thế mâu thuẫn. Nếu Đức muốn phản ứng lại vụ tấn công bằng chất độc cùng với EU, nước này phải tính đến đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2". Khi Chính phủ Đức đưa ra bằng chứng về vụ đầu độc Navalny, động thái này đã đặt nước Đức vào thế khó.

Nếu Đức tính đến các lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, Berlin không thể bỏ qua dự án "Dòng chảy phương Bắc 2". Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Đức khó lòng loại bỏ dự án sau khi đã đầu tư hàng tỷ USD và vận động hành lang cho dự án, và việc dừng dự án sẽ gây tổn thất rất lớn cho Berlin. Các biện pháp trừng phạt có mục tiêu, như tịch thu tài sản ở nước ngoài của các nhân vật thuộc Chính phủ Nga, có thể sẽ được đưa ra, song dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" vẫn sẽ đứng vững.

Những lời kêu gọi trừng phạt đối với dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" được đưa ra nhanh chóng sau vụ đầu độc ông Navalny. Chỉ có việc giảm nhập khẩu khí đốt sang Đức và châu Âu mới thực sự ảnh hưởng đến Nga. Nhưng khả năng EU và Đức gây ảnh hưởng đến Nga là rất hạn chế. Giới chuyên gia Đức cho rằng khó có biện pháp trừng phạt nào có thể thực sự ảnh hưởng đến Nga.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), bất chấp căng thẳng, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sang EU đã tăng trong những năm gần đây. Đức nhập một nửa lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Ủy ban Phương Đông thuộc Viện Kinh tế Đức cũng khuyến nghị không tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể ảnh hưởng đến các công ty và người dân Nga hoàn toàn không liên quan đến vấn đề này.

Sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái tại Anh vào năm 2018, Mỹ, EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine đã trục xuất 153 nhà ngoại giao Nga để phản đối. Đáp lại, Nga trục xuất 189 nhà ngoại giao phương Tây, trong đó hầu hết là từ Anh và Mỹ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU áp đặt đối với các cá nhân ở Nga vì vụ sáp nhập Crimea, vụ bắn rơi máy bay chở khách MH-17 và nhiều biện pháp trừng phạt đến nay vẫn chưa có tác dụng lâu dài đối với Nga.

Trong EU cũng ít sự đồng thuận về mối quan hệ với Nga và Tổng thống Putin. Một bên, vẫn có các quốc gia coi trọng quan hệ với Moskva. Tổng thống Pháp Macron đang cố gắng duy trì “mối quan hệ đặc biệt” với Moskva như một truyền thống từ lâu ở Pháp. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Macron đã gặp ông Putin nhiều hơn bất kỳ chính trị gia hàng đầu nào của EU để bàn về tình hình Syria, Libya và nhiều cuộc xung đột khác mà Nga có liên quan. Chính phủ Italy luôn tự hào về "mối quan hệ tốt đẹp và tích cực" với Nga. Chính phủ Áo cũng coi mình là trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây.

Trong khi đó, các nước thành viên Đông Âu trong EU nhìn nhận Nga nghiêm khắc hơn nhiều. Đó là lý do vì sao Ba Lan, các nước Baltic và những nước khác không quan tâm đến dự án "Dòng chảy phương Bắc 2".

Mặt khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty liên quan đến "Dòng chảy phương Bắc 2". Ông là người phản đối quyết liệt dự án này vì Mỹ muốn bán khí đốt hóa lỏng cho Đức và châu Âu. Vì vậy, Chính phủ Mỹ sẽ vui mừng nếu "Dòng chảy phương Bắc 2" bị dừng lại như một cách phản ứng trước vụ đầu độc Navalny.
 

Đính kèm

Bên trên