Tuân thủ hạn ngạch – thách thức trong nội bộ OPEC+

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 351
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Theo bài phân tích trên mạng tin Arab News, kết quả cuộc họp của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng OPEC+ (JMMC) ngày 19/8 vừa qua không nằm ngoài dự đoán của thị trường.

Theo đó, OPEC+, một liên minh gồm các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và 10 nước đối tác do Nga dẫn đầu, sẽ tiếp tục lộ trình đã được thống nhất hồi tháng Tư, khi các thành viên cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Mức cắt giảm cho tháng 9/2020 theo kế hoạch của OPEC+ là 7,7 triệu thùng/ngày dù thấp hơn đáng kể so với tháng Năm và tháng Sáu, song đây vẫn là mức giảm cao trong lịch sử.

download (3).jpg

Điều quan trọng nhất đối với các bộ trưởng OPEC+ là sự tuân thủ mức cắt giảm sản lượng, và đáng lo ngại nhất là một số nước thành viên chưa thực hiện đúng cam kết của mình. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdul Aziz bin Salman đã nêu rõ mục tiêu của cuộc họp trong bài phát biểu khai mạc, nhấn mạnh ba vấn đề “cắt giảm, tuân thủ và bù đắp” chính là nền tảng của nỗ lực tái cân bằng thị trường dầu mỏ.

Cuộc họp JMMC do Hoàng tử Abdul Aziz và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đồng chủ trì thông qua hình thức trực tuyến. Trọng tâm chính của cuộc họp là tập trung vào các vấn đề tuân thủ và bù đắp phù hợp cho mức cắt giảm sản lượng. Saudi Arabia và Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng nhiều nhất, đặc biệt là từ phía quốc gia vùng Vịnh, khi đã giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày và vượt xa các nghĩa vụ của chính họ theo thỏa thuận OPEC+.

Trong khi đó, những thành viên chính không tuân thủ mục tiêu sản lượng của mình là Iraq và Nigeria. Tại cuộc họp JMMC hồi tháng Bảy, một số thành viên thừa nhận vượt sản lượng trong quý II/2020 và đã đồng ý bù đắp điều này bằng cách điều chỉnh sản lượng trong quý III/2020.

Theo phân tích thị trường của S&P Global, trong khi JMMC đặt mức tuân thủ hạn ngạch sản lượng nói chung của các thành viên OPEC+ là 97%, thì tỷ lệ tuân thủ của Iraq trong tháng 7/2020 chỉ là 83% và của Nigeria là 65%. Iraq đã cam kết sẽ bù đắp cho hoạt động sản xuất dư thừa trước đây của mình và công bằng mà nói mức độ tuân thủ của Baghdad đã được cải thiện từ mức chỉ 44% trong tháng Năm.

Bộ trưởng Abdul Aziz đã nói rõ rằng ông hy vọng tất cả các quốc gia đã vượt sản lượng sẽ phải bù đắp cho mức dư thừa này vào cuối tháng 9/2020. OPEC không cung cấp bất kỳ con số chính xác nào về việc tuân thủ hạn ngạch không đầy đủ, song các quốc gia không thực hiện mục tiêu cam kết của mình dự kiến sẽ có báo cáo vào ngày 28/8 để đề ra giải pháp khắc phục tình hình vượt sản lượng.

Không có gì ngạc nhiên khi OPEC+ tìm cách buộc các thành viên tuân thủ lộ trình cắt giảm sản lượng đã được thống nhất vào tháng 4/2020. Tất nhiên tại thời điểm đó, thật khó để khiến tất cả 23 quốc gia thành viên đồng ý với một chiến lược chung, khi thị trường dầu mỏ đang ở trong tình trạng hỗn loạn chưa từng có do đại dịch COVID-19 làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” trên quy mô toàn cầu.

Do đó, JMMC có nhiệm vụ giám sát và đề xuất các biện pháp khắc phục vấn đề tuân thủ hạn ngạch sản lượng và đây chính xác là những gì ủy ban chung này đã nỗ lực thực hiện, qua đó giúp OPEC+ có thể điều chỉnh nguồn cung phù hợp.

Dự đoán về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, Bộ trưởng Abdul Aziz cho biết trong bài phát biểu khai mạc rằng ông cảm thấy lạc quan hơn khi ba tổ chức có liên quan nhất là OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cùng dự đoán nhu cầu tiêu thụ vào cuối năm nay sẽ trở lại khoảng 97% của mức năm 2019. Đây sẽ là một sự cải thiện rất lớn so với thời điểm tháng 4/2020, khi nhu cầu giảm gần 30%.

Tuy nhiên, dù lượng dầu tồn kho đã giảm bớt và IEA dự đoán nhu cầu sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay, viễn cảnh chung vẫn tiềm ẩn những yếu tố khó đoán định.

Tuần trước, IEA đã điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thêm 140.000 thùng/ngày trong năm 2020 và thêm 240.000 thùng/ngày cho năm 2021, trong đó sự phục hồi mờ nhạt của ngành hàng không là mối quan tâm chính của cơ quan này. Bên cạnh đó, thị trường cũng cần theo dõi nhịp độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại ở Mỹ, bất chấp nền kinh tế lớn nhất thế giới đã triển khai gói kích thích khổng lồ.

Tại Trung Quốc, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đã ít nhiều trở lại mức trước đại dịch, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể làm xói mòn triển vọng thị trường, không chỉ trên khía cạnh thương mại mà còn đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Nói cách khác, thị trường dầu mỏ đang bắt đầu tái cân bằng nhưng thận trọng, và mới chỉ có sự hỗ trợ chủ đạo từ OPEC+ dưới hình thức cắt giảm sản lượng lớn. Bất kỳ sự gia tăng nào về nhu cầu sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của các nền kinh tế, song điều này lại lệ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19 và nguy cơ xảy ra một đợt lây nhiễm thứ hai.

Những tháng sắp tới sẽ chứng minh liệu động thái cắt giảm sản lượng theo lịch trình của OPEC+ có đủ để thực sự cân bằng thị trường dầu mỏ hay không. Đó cũng là lý do vì sao JMMC liên tục nhấn mạnh đến tính mong manh và những bất ổn đáng kể trên thị trường. Các nhà lãnh đạo trong liên minh dầu mỏ này đã thể hiện lập trường rõ ràng rằng sẽ không công bằng khi trông đợi một số thành viên tiếp tục thực hiện nhiều hơn mức cắt giảm sản lượng của mình, trong khi những quốc gia khác phớt lờ nghĩa vụ của họ. Và đây thực sự là thách thức chủ đạo trong nội bộ OPEC+ giai đoạn sắp tới.
 

Học Forex Online

*Được tài trợ Livestream

Theo dõi chúng tôi

Bên trên