Wikifx VN
Tải ứng dụng WikiFX và trải nghiệm ngay!
-
Wikifx VN
Vàng giảm
Giá vàng giảm vào ngày thứ Ba (31/5) khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, với các hợp đồng vàng ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1.1% xuống 1,835.29 USD/oz. Hợp đồng vàng tương lai mất 1% còn 1,833 USD/oz.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại không đem lại lợi suất.
Hợp đồng vàng tương lai sụt 3.31% trong tháng 5, ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2021 khi vàng giảm 3.36%. Tuy nhiên, hợp đồng vàng vẫn tăng 1.08% từ đầu năm đến nay.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jeffrey Halley của Oanda nhận định: “Diễn biến của vàng trong tháng 5 nói chung là đáng thất vọng, cho thấy sự suy yếu ngay lập tức của vàng đối với tín hiệu đầu tiên đồng USD mạnh hơn, trong khi không thể xác định được đà tăng rõ ràng do đồng USD suy yếu hay lợi suất trái phiếu Mỹ suy giảm”.
“Đó là một cảnh báo về đà sụt giảm mạnh hơn trong tương lai nếu đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đảo chiều”, ông Halley nói. Đồng thời, chia sẻ rằng trừ khi căng thẳng leo thang mạnh ở Đông Âu, có vẻ như sự điều chỉnh giảm giá của vàng có thể tiếp tục vào tháng 6.
Vàng giảm từ mức gần 1,900 USD/oz vào đầu tháng xuống 1,786.60 USD/oz vào ngày 16/5 khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ. Vàng kể từ đó đã phục hồi phần nào.
Lãi suất ngắn hạn của Mỹ cao sẽ làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng, tuy nhiên, vàng cũng được xem là một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, chẳng hạn như suy thoái.
Dầu giảm
Giá dầu quay đầu giảm sau một báo cáo rằng một số nhà sản xuất đang thăm dò ý tưởng về việc loại bỏ Nga khỏi thành viên thỏa thuận sản lượng OPEC+.
Trong khi đó không có động lực chính thức nào để OPEC bơm thêm dầu nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt của Nga, một số thành viên vùng Vịnh bắt đầu lên kế hoạch cho việc tăng sản lượng trong vài tháng tới, theo tin từ Wall Street Journal.
Chốt phiên 31/5, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 2 USD hay 1,7% xuống 115,6 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 hết hạn trong phiên này, tăng 1,17 USD hay 1% lên 122,84 USD/thùng. Dầu thô WTI đóng cửa giảm 40 US cent hay 0,4% so với đóng cửa ngày 27/5, xuống 114,67 USD/thùng. Trong phiên có lúc WTI đã chạm 119,98 USD/thùng, cao nhất kể từ 9/3.
Tổ chức OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kỷ lục kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2020. Theo một thỏa thuận đạt được trong tháng 7/2021, tổ chức này thiết lập mục tiêu tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày mỗi tháng cho tới hết tháng 9/2022. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 4 giảm gần 9% so với tháng trước đó, theo một báo cáo nội bộ của OPEC+.
Mặc dù đảo chiều trong cuối phiên nhưng cả hai loại dầu đều tăng trong tháng 5, đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp. Giá dầu đã tăng hơn 70% trong giai đoạn này.
Giá dầu được hỗ trợ chủ yếu trong phiên này sau khi EU đồng ý cấm vận một phần và theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga, Trung Quốc quyết định dỡ bỏ những hạn chế Covid-19 và mùa hè đi lại nhiều của Mỹ bắt đầu.
Các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của khối sau hơn 3 tháng xung đột Nga – Ukraine.
Sau khi được thông qua hoàn toàn, các biện pháp trừng phạt dầu thô sẽ được thực hiện dần trong 6 tháng và sản phẩm tinh chế trong 8 tháng. Lệnh cấm này miễn trừ với đường ống dầu từ Nga là một nhượng bộ cho Hungary.
Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng hơn 3% trong tháng 3 lên 11,7 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 11/2021. Tuy nhiên, sản lượng phục hồi chậm do ảnh hưởng của đại dịch và vẫn thấp hơn nhiều mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày trong năm 2019.
Giá xăng bán lẻ của Mỹ cũng chạm mức trung bình kỷ lục 4,622 USD/gallon, khi ngày nghỉ lễ cuối tuần đánh dấu chính thức bắt đầu vào mùa hè đi lại nhiều.