Vì sao Phố Wall không đồng hành với Nhà Trắng trong việc kiềm chế Trung Quốc?

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 271
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Giữa bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung đang xuất hiện những xung đột về kinh tế-chính trị, về mặt kinh tế, xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ lại tăng vọt.

Tuần san châu Á (Hong Kong) số ra ngày 14/9 có bài viết nhận định, nếu ngoại giao là phần mở rộng của vấn đề nội bộ, thì quan hệ ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc đang phản ánh nhu cầu của chính trị của nội bộ nước Mỹ. Do những cân nhắc về cuộc bầu cử, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đẩy mạnh các cuộc công kích nhằm vào phía Trung Quốc, nhằm quy chụp, đổ lỗi cho Bắc Kinh về mọi vấn đề của nước này.

WTO-OMC-800x450.jpg


Tuy nhiên, mặt khác, nền kinh tế Mỹ không thể tách rời khỏi Trung Quốc. Không chỉ xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng mạnh mà đầu tư của giới tài chính Mỹ vào thị trường nước này cũng tăng, do giới đầu tư muốn tận dụng chính sách tăng cường mở cửa hiện nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dù vậy, những xung đột về chính trị và kinh tế trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay của Chính quyền Tổng thống Trump là sự bất đồng trong suy nghĩ và lời nói.

Bởi vì nền tảng của chính trị Mỹ là nền kinh tế, và đầu não của nền kinh tế là Phố Wall. Trong những tháng gần đây, mối quan hệ giữa Phố Wall và Trung Quốc ngày càng trở nên khăng khít. Các công ty Trung Quốc xếp hàng chờ niêm yết cổ phiếu trên Phố Wall dài dằng dặc, tăng gấp vài lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng điều đáng chú ý hơn là vào thời điểm mà Ngoại trưởng Mike Pompeo đang ra sức lên án Bắc Kinh, các tổ chức tài chính Mỹ vẫn đua nhau đến Trung Quốc để đầu tư và mở văn phòng mới.

Black Rock - Tập đoàn quản lý vốn lớn nhất của Mỹ có trụ sở tại thành phố New York - vừa được Bắc Kinh phê duyệt mở một doanh nghiệp tài chính mới ở Trung Quốc, trong khi đối thủ lớn nhất của BlackRock là Vanguard cũng đã chuyển trụ sở ở châu Á đến Thượng Hải. Tập đoàn JP Morgan Chase (JPMorgan Chase) đầu tư 1 tỷ USD để mua các dự án được quản lý bằng tiền tệ Trung Quốc. Trong một năm qua, các tổ chức quản lý quỹ nước ngoài của Mỹ tại Trung Quốc đã mua 200 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc.

Tác giả bài viết trên Tuần san châu Á cho rằng quan điểm giá trị của ông Pompeo, vốn vẫn còn lưu lại từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dường như đang vẫy gọi bóng ma Chiến tranh Lạnh về ngự trị. Ở mọi nơi ông đều thể hiện là nhân vật cứng rắn nhất trong Chính quyền Tổng thống Trump, nhưng ông lại đang phạm phải một sai lầm lớn trong lịch sử phe diều hâu Mỹ và cuối cùng đã làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ông Pompeo là đại diện cho ý tưởng dân túy cánh hữu của tầng lớp dưới trong nội bộ đảng Cộng hòa. Bản thân ông cũng tham gia vào Đảng Trà (Tea Party) - tổ chức cánh hữu của người da trắng ở cơ sở. Đến nay sau khi đã nắm quyền, ông đã mở rộng ý tưởng này và theo đuổi thế giới chống toàn cầu hóa, mọi thứ đều nói "nước Mỹ trên hết" và muốn ngành sản xuất chuyển dời về Mỹ.

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Cộng hòa và giới tinh hoa Phố Wall cho rằng đây là một giấc mơ viển vông, bởi vì ngay cả khi tất cả các ngành sản xuất do Mỹ đầu tư tại Trung Quốc bị rút hoàn toàn khỏi nước này, những ngành nghề đó cũng sẽ không thể tồn tại ở Mỹ vì tại đây đã không còn công nhân sản xuất công nghiệp và không còn lực lượng đầu tư như vậy nữa, cũng như không còn năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ngành công nghiệp xe hơi ở Mỹ là một ví dụ điển hình. Trong những năm 1980 và 1990, ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đã thua lỗ trong thời gian dài, không so sánh được với xe hơi Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ sau khi chuyển đến Trung Quốc, các hãng Ford, General Motors và Chrysler của Mỹ mới bắt đầu kiếm được nhiều tiền.

Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương Daniel Russel đã chỉ ra rằng việc ông Pompeo chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc mang đến tác dụng ngược, giúp nhà lãnh đạo quốc gia châu Á giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ người dân nước mình.

Ở Phố Wall, ông Pompeo thậm chí còn bị coi là trò đùa. Ở mọi nơi, ông yêu cầu các thế lực tài chính Mỹ phải vạch ra ranh giới rõ ràng với Bắc Kinh, nhưng diễn biến tình hình hoàn toàn ngược lại. Theo phân tích của tờ The Economist (Anh), khoản đầu tư của các tổ chức tài chính Mỹ vào Trung Quốc không phải là hoạt động trao đổi chứng khoán ngắn hạn, mà là sự phản ánh quá trình triển khai dài hạn của Phố Wall, với niềm tin rằng trọng tâm của giới tài chính toàn cầu đang dịch chuyển về phía Đông.

Hợp tác tài chính chặt chẽ Mỹ-Trung sẽ mang lại những lợi ích chung to lớn, nhưng đằng sau đó là việc Bắc Kinh tăng cường nới lỏng các hạn chế tài chính để đảm bảo rằng ngành tài chính Trung Quốc sẽ nhảy vọt lên đẳng cấp thế giới.

Hành động của Phố Wall hoàn toàn trái ngược với chủ trương của ông Pompeo. Chính quyền Tổng thống Trump ban đầu hy vọng sẽ "vũ khí hóa" Phố Wall, muốn ngăn chặn các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, loại bỏ tận gốc và giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng lợi ích của Phố Wall không cho phép các chính khách xâm phạm. Ông Trump là Tổng thống được bầu bởi liên minh tài chính đảng Cộng hòa, song nếu không thể đảm bảo được lợi ích của liên minh tài chính này, ông sẽ bị hạ bệ.

Tuần san châu Á kết luận rằng những xung đột về chính trị và kinh tế trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc hiện nay của Chính quyền Tổng thống Trump phản ánh một chính sách không bền vững, cuối cùng có thể sẽ bị lịch sử loại bỏ.
 
Bên trên