Ý nghĩa chiến lược độc lập về công nghệ đối với Trung Quốc

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 383
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Trung Quốc đã công bố một kế hoạch nhiều tham vọng trong lĩnh vực phát triển các ngành công nghệ chiến lược. Theo văn kiện mới do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Bộ Tài chính Trung Quốc công bố, Bắc Kinh đặt mục tiêu sẽ tạo ra ít nhất 10 cơ sở công nghiệp chiến lược có tầm ảnh hưởng toàn cầu, 100 cụm công nghiệp và 1.000 khu công nghiệp sinh thái với những lợi thế cạnh tranh riêng.

Composite-of-China-Flag-and-Circuit-Board.png


Kế hoạch phát triển mới nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo ra các năng lực cốt lõi và các cơ sở công nghiệp trong nước để sản xuất chip, thiết bị 5G, robot công nghiệp, vật liệu sinh học và vắc xin.

* Kế hoạch “Made in China 2025” là gì?

Mấy năm trước, Trung Quốc công bố kế hoạch “Made in China 2025” (MIC 2025). Theo chương trình này, đến năm 2025, Trung Quốc phải đạt khả năng “tự cung tự cấp” đến 70% những thiết bị và nguyên liệu chính phục vụ công nghệ cao, bao gồm vật liệu sinh học, xe tự lái, chất bán dẫn... Văn kiện này đã gây ra làn sóng chỉ trích từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Washington đã gọi kế hoạch này là một chiến lược bành trướng toàn cầu của Trung Quốc nhằm đạt được vị trí dẫn đầu về công nghệ cao. Thậm chí, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhắc đến chương trình “Made in China 2025” khi nói về sự cần thiết phải ngăn chặn tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.

Để không làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn khá phức tạp với phương Tây, các nhà chức trách Trung Quốc đã không thể hiện công khai về chương trình này trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ chương trình phát triển các công nghệ chiến lược trong nước. Hơn nữa, trong tình hình quốc tế hiện nay, Trung Quốc nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải dựa vào sức mình, tức là phải tự cấp, tự túc để đảm bảo an ninh công nghệ và kinh tế của nước mình.

Ví dụ, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với tập đoàn công nghệ Huawei đã tạo ra những vấn đề lớn cho “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc. Để sản xuất các loại thiết bị từ điện thoại thông minh đến các trạm gốc, Huawei phải sử dụng chip, mà trong quá trình sản xuất chip có phần mềm, tài sản trí tuệ, công cụ và vật liệu thiết kế chip của Mỹ. Nếu không có nguồn cung các sản phẩm này, Huawei khó có thể duy trì sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Tình hình tương tự cũng được ghi nhận trong hầu hết các ngành công nghệ cao và nếu thiếu các ngành này thì không thể hình dung được sự phát triển của xã hội hiện đại. Kế hoạch mới do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Bộ Tài chính Trung Quốc công bố liệt kê cụ thể hơn về các ngành và hướng phát triển mà Trung Quốc nên tập trung vào để thay thế nhập khẩu và bảo đảm sự độc lập về công nghệ.

Trước hết, đây là việc xây dựng mạng 5G và robot công nghiệp, phát triển công nghệ sinh học và vắc-xin, vật liệu mới cho ngành chế tạo máy bay dân dụng, năng lượng xanh, bao gồm cả xe thông minh sử dụng các nguồn năng lượng mới, và kinh doanh kỹ thuật số. Kế hoạch mới có thể được gọi là sự tiếp nối của chương trình “Made in China 2025”, nhưng với những ưu tiên rõ ràng hơn để phù hợp với tình hình thế giới đang thay đổi.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia về công nghệ Internet của Trung Quốc Liu Xingliang nói với đài Sputnik: “Ví dụ, chương trình ‘Made in China 2025’ không nhắc đến từ Blockchain (chuỗi khối), nhưng công nghệ này được nhắc đến trong kế hoạch mới. Có thể nói, tài liệu mới là một chương trình cập nhật ‘Made in China – 2025’. Điều đáng chú ý là kế hoạch mới tập trung nhiều hơn vào những ngành bị Mỹ trừng phạt và hạn chế. Tất nhiên, ngay cả nếu quan hệ Mỹ-Trung không xấu đi, Trung Quốc vẫn cần phát triển các ngành công nghiệp này. Chỉ đơn giản là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở thành ‘chất xúc tác’ cho quá trình này”.

Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, vào năm 2019, các ngành công nghiệp chiến lược mới đã đóng góp đến 11,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang chuyển sang một mô hình sản xuất mới - chuyển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ và tri thức. Do đó, Trung Quốc vẫn là nước tiêu thụ chip và vi mạch lớn nhất thế giới, những thứ cần thiết cho việc sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao. Năm 2019, Trung Quốc đã nhập khẩu 300 tỷ USD giá trị chip nhớ - nhiều hơn cả dầu thô.

Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế toàn cầu còn yếu và các chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Theo tuyên bố của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Trung Quốc cần phải ứng phó với những thách thức này để đảm bảo sự phát triển ổn định của đất nước. Về lâu dài, điều này sẽ giúp Trung Quốc đạt được sự độc lập về công nghệ và kinh tế, mặc dù một nhiệm vụ phức tạp như vậy không thể được giải quyết nhanh chóng.

Chuyên gia Liu Xingliang nói: “Theo tôi, rất khó để vạch ra một khoảng thời gian cụ thể. Một số ngành công nghiệp, ví dụ, ngành công nghiệp chất bán dẫn, đã hứng chịu các đòn trừng phạt của Mỹ. Các vấn đề này không thể được giải quyết ngay lập tức. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật. Để tạo ra các hệ sinh thái tương thích phải mất 5-10 năm. Không nên chờ đợi thành công đến sớm trong các lĩnh vực công nghệ then chốt”.

* Tập trung mũi nhọn vào sản xuất chip


Trong lĩnh vực công nghệ cao, quy trình sản xuất chip là cực kỳ phức tạp. Hiện tại, các công ty Trung Quốc chưa thể sản xuất chip 7 nm và 5 nm tiên tiến nhất được sử dụng trong các điện thoại thông minh mới nhất. Vì các nhà sản xuất toàn cầu như Samsung, TSMC và MediaTek phát triển không ngừng, nên Trung Quốc cần phải bỏ rất nhiều công sức để bắt kịp họ. Ngoài ra, vấn đề chính không phải là việc phát triển những con chip mà là việc Mỹ sở hữu phần mềm, tài sản trí tuệ, công cụ và vật liệu thiết kế chip. Vì vậy, ngay cả các nhà sản xuất chip Trung Quốc như SMIC vẫn có thể đối mặt với áp lực từ Mỹ và mối đe dọa trừng phạt.

Chính bởi vậy, Trung Quốc đang có nhiệm vụ phát triển các công nghệ toàn chu kỳ cơ bản. Điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều chi phí. Vào năm 2014, Trung Quốc đã thành lập Quỹ đầu tư Công nghiệp vi mạch tích hợp. Đến nay, Quỹ đã thu hút được hơn 30 tỷ USD, và trong tương lai gần có thể thu hút thêm số tiền tương tự. Quỹ có nhiệm vụ khuyến khích phát triển các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, cũng như hỗ trợ các công ty lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Theo kế hoạch mới về phát triển các ngành công nghệ chiến lược, chính quyền địa phương phải đóng vai trò hàng đầu trong việc phân bổ nguồn lực. Kế hoạch nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ đổ tiền vào các ngành trên để đạt được sự độc lập về công nghệ.
 
Bên trên