Yếu tố quyết định sự thành bại trong cuộc chiến chống COVID-19

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 438
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Tờ nhật báo The Korea Herald số ra ngày 29/8 đăng bài phân tích của Giáo sư Robert J. Fouser (người từng có thời gian giảng dạy tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) với nhận định rằng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Xứ sở Kim Chi đã diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn khi các ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 bắt đầu tăng vọt vào giữa tháng này. Không giống như làn sóng lây nhiễm đầu tiên vốn chỉ tập trung vào thành phố Daegu, sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19 mới gần đây đã xuất hiện trên toàn quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường các quy định về kiểm dịch và giãn cách xã hội, đồng thời xem xét đến khả năng "phong tỏa toàn quốc" nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng trở nên nghiêm trọng hơn.

Novel_Coronavirus_SARS-CoV-2.jpg


Sau khi thành công trong việc dập tắt ổ dịch vốn bắt đầu bùng phát ở thành phố Daegu vào mùa Xuân vừa qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã xem Hàn Quốc như một "hình mẫu" về cách đối phó với đại dịch COVID-19. Tại Mỹ, các hãng thông tấn lớn đã đăng tải chi tiết việc các chính trị gia của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã lấy trường hợp Hàn Quốc để làm rõ nét hơn cho các lập luận của chính họ.

Đánh giá tích cực về phản ứng của Hàn Quốc trước đại dịch COVID-19 tập trung vào vấn đề xét nghiệm và truy vết, một nguyên tắc "bất biến" mà Hàn Quốc luôn áp dụng đối với dịch bệnh truyền nhiễm. Việc tiến hành xét nghiệm rộng rãi giúp cơ quan y tế tìm ra người nhiễm SARS-CoV-2 trong khi hiệu quả của các biện pháp truy vết giúp tìm ra những người có thể đã tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Những người bị nhiễm và tiếp xúc gần có thể tự cách ly, từ đó góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Do những biện pháp này đã cho thấy tính hiệu quả cao nên Hàn Quốc chưa cần tính đến việc phải "phong tỏa nghiêm ngặt". Trong khi cả New York, London và Paris đều đã phải áp dụng lệnh phong tỏa nhưng riêng Seoul vẫn chưa cần áp dụng.

Để đối phó với nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 trên quy mô toàn quốc hiện nay, Hàn Quốc cũng có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của một số quốc gia khác trên thế giới, những nước đã thực hiện biện pháp ứng phó theo hai nhóm chính.

Đầu tiên là nhóm "Kiểm soát chặt chẽ", trong đó New Zealand là một đại diện điển hình. Vào thời điểm xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, đất nước này đã thực hiện lệnh phong tỏa hoàn toàn với thế giới bên ngoài nhằm loại bỏ nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng. Biện pháp này phát huy hiệu quả và New Zealand đã trải qua 102 ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới. Một đợt bùng phát với 4 ca bệnh xuất hiện gần đây ở New Zealand cũng đã khiến thành phố lớn nhất là Auckland phải thực hiện lệnh phong toả trong một tuần.

Nhóm thứ hai là "Sống chung với lũ" được đại diện bởi Thụy Điển và ở một mức độ nào đó là Nhật Bản. Thay vì thực hiện lệnh phong tỏa, phương pháp này dựa vào những thay đổi trong hành vi cá nhân, chẳng hạn như: giữ vệ sinh, đeo khẩu trang và ở nhà. Ở Thụy Điển, hiến pháp không cho phép chính phủ áp đặt "tình trạng khẩn cấp" (vốn được coi là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện lệnh phong tỏa) trong thời bình. Nhật Bản mặc dù đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhưng không thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thay vào đó, Tokyo thực hiện biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân ở trong nhà. Tính đến ngày 26/8 vừa qua, New Zealand mới chỉ ghi nhận có 1.695 trường hợp mắc COVID-19 và 22 trường hợp tử vong trên tổng dân số là 4.886.000, trong khi Thụy Điển với dân số 10.230.000 người có tới 86.891 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 5.814 trường hợp tử vong. Cách tiếp cận của New Zealand rõ ràng đã phát huy hiệu quả hơn Thụy Điển.

Việc thực hiện lệnh phong tỏa không phải là vấn đề sức khỏe cộng đồng mà là vấn đề chính trị. Trong một chế độ dân chủ, việc thực hiện lệnh phong tỏa, đặc biệt là với những quy tắc nghiêm ngặt, thể hiện sự khẳng định quyền lực nhà nước mà rất ít công dân có cơ hội được nếm trải. Ở những quốc gia mà người dân tin tưởng chính phủ thì họ luôn sẵn sàng hợp tác. Ở những quốc gia mà lòng tin vào chính phủ thấp, sự phản kháng sẽ hình thành và theo đó vấn đề phong tỏa sẽ bị "chính trị hóa". Một khi đã được chính trị hóa, sự chú ý của dư luận sẽ chuyển từ vấn đề y tế công cộng sang quan điểm chính trị. Một phần nguyên nhân khiến Mỹ không thể đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 hiện nay cũng bắt nguồn từ vấn đề "chính trị hóa".

Nghiên cứu về đại dịch COVID-19 sẽ giúp chúng ta nâng cao chất lượng điều trị và làm rõ cách thức lây lan của virus SARS-CoV-2. Ai trong chúng ta cũng biết rõ rằng virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh nhất khi con người có tiếp xúc với nhau trong không gian chật hẹp và độ thông gió hạn chế. Điều này giải thích tại sao các cuộc tụ họp đông người trong không gian kín (trong nhà) lại "rất nguy hiểm".

Là một quốc gia có mật độ dân số đông, người dân sinh sống tập trung ở các thành phố lớn, Hàn Quốc được coi là "mảnh đất màu mỡ" cho virus SARS-CoV-2 phát triển. Việc đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên có thể vẫn là chưa đủ để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh gây chết người này trong không gian đông đúc với hệ thống thông gió kém. Nếu vậy, các quan chức y tế phải chăng cũng nên xem xét việc giảm bớt các hoạt động tụ tập đông người cũng như cải thiện hệ thống thông gió của các tòa nhà.

Virus SARS-CoV-2 được coi là "nguy hiểm nhất" đối với những người từ 55 tuổi trở lên. Với độ tuổi trung bình là 41,8, Hàn Quốc hiện đứng thứ 36 trong số 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xứ sở Kim Chi đang có dân số già đi nhanh chóng và sẽ sớm leo lên vị trí dẫn đầu thế giới. Để đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, các quan chức y tế Hàn Quốc nên tập trung vào việc bảo vệ người cao tuổi và những nhóm người dễ bị tổn thương khác.

Cuối cùng, chìa khóa để nâng cao khả năng đối phó với đại dịch COVID-19 ở Hàn Quốc là lòng tin của người dân vào chính phủ. Câu hỏi đặt ra là liệu người dân Xứ sở Kim Chi có tin tưởng chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện lệnh phong tỏa đất nước như New Zealand đã từng làm và giải quyết tình trạng kinh tế bất ổn sau đó hay không? Nếu có được sự ủng hộ như vậy thì sẽ là lựa chọn tốt nhất. Ngược lại, chính phủ Hàn Quốc chỉ còn giải pháp tăng cường thực hiện giãn cách xã hội, tập trung vào "các điều kiện" không gian và nhân khẩu học vốn được coi là yếu tố làm gia tăng sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
 

Học Forex Online

*Được tài trợ Livestream

Theo dõi chúng tôi

Bên trên