Huawei tiếp tục lún sâu trong khó khăn

Người đưa tin
Người đưa tin
Bình luận: 0Lượt xem: 360
Người đưa tin

Người đưa tin

Administrator
  • Người đưa tin

    Người đưa tin

Sau những sức ép liên tục, Mỹ đã siết chặt lệnh cấm với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc với mục đích ngăn Huawei tiếp cận chip (vi mạch) và công nghệ sản xuất chip. Quyết định này của Mỹ được dự báo sẽ khiến Huawei lún sâu trong khó khăn.

* Mỹ liên tục gây sức ép với Huawei

Tháng 12/2018, việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính Huawei tại Canada được xem là động thái đẩy căng thẳng Mỹ-Trung trong lĩnh vực công nghệ lên một cấp độ mới sau nhiều năm đã có xung đột. Quan hệ Mỹ-Huawei trở nên nghiệt ngã hơn từ năm 2019 khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm doanh nghiệp Mỹ kinh doanh với công ty này.

1_olfFJBvPLEl2edPOLYhtpw.jpeg
Mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Huawei từng được coi là “quân bài” lợi thế lớn cho chính phủ Mỹ khi thương lượng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thương lượng bất thành, chính quyền Tổng thống Trump chuyển sang chiến lược “hạ bệ” các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, với nhiều đòn liên tiếp vào các công ty công nghệ có nguồn gốc từ nước này.

Nghiêm trọng hơn, sau lệnh cấm năm 2018, giữa tháng 5/2019, Huawei tiếp tục chịu thêm đòn đau từ Washington khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen đồng thời yêu cầu các công ty nước ngoài phải xin giấy phép sử dụng công nghệ, phần mềm Mỹ nếu muốn sản xuất chip do Huawei thiết kế.

Để giảm phụ thuộc vào Mỹ, Huawei đã thành lập công ty HiSilicon chuyên nghiên cứu và thiết kế chip, sau đó đặt hàng TSMC- công ty chuyên gia công chip vốn cũng sử dụng nhiều thiết bị và công nghệ của Mỹ, sản xuất. Tuy nhiên, giống như các công xưởng chip khác trên thế giới, TSMC cần dùng tới công nghệ, máy móc và trang thiết bị của Mỹ để vận hành sản xuất. Nếu không thể xin giấy phép, việc cho ra đời các bộ vi xử lý dành cho smartphone, máy chủ, máy trạm 5G... của Huawei sẽ bị đình trệ.

Cuối tháng 6/2020, Mỹ đã hối thúc các chính phủ trên toàn thế giới loại bỏ Huawei khỏi danh sách các hãng tham gia triển khai hạ tầng mạng 5G, cho rằng Huawei hoạt động gián điệp khi chuyển giao dữ liệu người dùng của các nước cho Chính phủ Trung Quốc, trong khi Huawei hoàn toàn phủ nhận điều này.

Dù bị Mỹ gây khó dễ, không thể phủ nhận Huawei vẫn là hãng công nghệ viễn thông lớn nhất thế giới và đang dẫn đầu về 5G. Đầu năm nay, hãng cho biết đã ký hợp đồng thương mại 5G với 91 quốc gia, trong đó hơn một nửa (47) ở châu Âu, 27 ở châu Á và 17 tại những khu vực khác. Tuy nhiên, theo Carisa Nietsche, nhà nghiên cứu bảo mật tại Washington, nhận định một cuộc thay đổi lớn đang ngấm ngầm diễn ra. Nhiều nước và nhiều nhà mạng bắt đầu tỏ ra lo ngại kế hoạch triển khai 5G của mình có nguy cơ bị trì hoãn nếu Huawei không thể cung cấp cơ sở hạ tầng 5G như hứa hẹn do ảnh hưởng từ lệnh cấm của Mỹ khiến tham vọng xây dựng hệ điều hành và hệ sinh thái riêng của Huawei đang bị đe dọa. Ngày 15/7, chính phủ Anh tuyên bố dỡ bỏ toàn bộ hệ thống 5G của Huawei từ năm 2027. Pháp cũng hạn chế thiết bị 5G của Huawei khi chính quyền Pháp không gia hạn giấy phép cho các nhà mạng mua thiết bị của Huawei trong việc triển khai mạng 5G.

Ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khởi động dự án “Thanh trừng ứng dụng”, khuyến khích các công ty phát triển phần mềm gỡ bỏ ứng dụng của mình khỏi App Gallery của Huawei. Dự án này là một phần nằm trong sáng kiến Clean Network, nhằm loại các công ty được cho là “dính líu” tới chính phủ Trung Quốc ra khỏi mạng lưới thông tin của Mỹ.

Mặc dù chương trình Clean Network không bắt buộc về mặt pháp lý, nhưng nó sẽ khiến các nhà phát triển ứng dụng cân đong đo đếm những nguy cơ địa chính trị nếu tiếp tục hợp tác với các công ty Trung Quốc. Việc mở rộng chương trình Clean Network cũng kêu gọi gỡ bỏ ứng dụng Trung Quốc “không đáng tin cậy” khỏi App Store của Apple và Google Play. Động thái của Washington chống lại Huawei được đưa ra sau khi công ty Trung Quốc này lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua Samsung trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới về số lượng xuất xưởng - phần lớn nhờ vào vị thế thống trị tại thị trường quê nhà. Theo Counterpoint, Huawei chiếm 41,4% thị phần tại Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay.

Việc Mỹ gia tăng sức ép đối với các nhà cung cấp của Huawei khiến bộ phận sản xuất chip HiSilicon của tập đoàn vốn phụ thuộc vào phần mềm của các công ty Mỹ như Cadence Design Systems hoặc Synopsys để thiết kế chip, không thể duy trì hoạt động sản xuất chip-linh kiện chủ chốt của điện thoại di động. Ngày 8/8, Huawei tiết lộ từ tháng 9/2020, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei sẽ ngừng chế tạo dòng chip Kirin chủ lực của mình. Đây cũng là dòng chip duy nhất của Trung Quốc có chất lượng ngang với các dòng chip hàng đầu thế giới của công ty Qualcomm (Mỹ). Việc thiếu hụt Kirin, dòng chip tích hợp trên các phiên bản cao cấp, sẽ khiến Huawei mất đi lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Ngôi vị số một về smartphone của Huawei nhiều khả năng sớm bị Samsung giành lại, khi mà họ không thể xuất xưởng điện thoại tích hợp chip Kirin.

* Siết chặt các biện pháp hạn chế

Ngày 17/8, chính quyền Mỹ tuyên bố họ sẽ thắt chặt hơn nữa những hạn chế đối với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, nhằm chặn tập đoàn này tiếp cận mặt hàng chip và nhiều công nghệ khác hiện có trên thị trường.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế được công bố vào tháng 5 vừa qua nhằm ngăn chặn gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei mua chất bán dẫn mà không có giấy phép đặc biệt - bao gồm cả các chip do những hãng nước ngoài sản xuất, được phát triển và sản xuất với công nghệ và phần mềm của Mỹ.

Theo nguồn tin của Reuters, chính quyền Mỹ cũng sẽ bổ sung 38 chi nhánh của Huawei ở 21 nước vào "danh sách đen" về kinh tế của nước này, nâng con số này lên 152 chi nhánh, kể từ khi Huawei bị đưa vào "danh sách đen" vào tháng 5/2019.

Quy định mới nêu rõ bất kỳ hành động sử dụng phần mềm Mỹ hoặc thiết bị do Mỹ chế tạo sẽ bị cấm và cần có một giấy phép. Quy định có hiệu lực ngay lập tức.

Giới chuyên gia nhận định việc Mỹ siết chặt lệnh cấm với Huawei sẽ khiến tập đoàn này lún sâu vào khó khăn. Thực tế sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2019, Huawei tăng cường việc tự thiết kế chip và đặt TSMC sản xuất dòng Kirin cho smartphone, cũng như các chip cho trạm cơ sở 5G, chip AI, máy chủ... Bên cạnh đó, tự phát triển chip là chiến lược hàng đầu của Huawei để giúp họ đứng vững trên thị trường smartphone và các thiết bị phần cứng khác. Nhờ đó, Huawei hạn chế được sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng Mỹ như Qualcomm hay Broadcom. Tuy nhiên, với lệnh cấm mới của Mỹ, hãng sẽ gặp thách thức lớn khi chuyển sang dùng chip của MediaTek hay Unisoc cho smartphone cao cấp của mình. Việc phải sử dụng chip của đối thủ là giải pháp "cực chẳng đã", làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tác động lớn đến hoạt động kinh doanh điện thoại của hãng. Bộ phận smartphone của Huawei có thể vẫn ổn trong phần còn lại của năm 2020, nhưng hai năm tiếp theo, cuộc chơi sẽ hoàn toàn khác.

CEO ngành hàng điện tử tiêu dùng của Huawei, thừa nhận 2020 sẽ là một năm đầy khó khăn khi công ty "phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung ứng". Huawei đang dần hết vi xử lý để tích hợp trên dòng smartphone cao cấp nhưng lại có quá ít lựa chọn về nguồn cung cấp chip thời gian tới.

Theo Edison Lee, chuyên gia phân tích của Jefferies, quy định mới của Mỹ được đánh giá là "đòn chí mạng" bởi lượng chip dự trữ cho các thiết bị viễn thông của Huawei sẽ cạn kiệt cuối năm nay. "Nếu quy định không thay đổi và nếu căng thẳng Mỹ-Trung không hạ nhiệt, Huawei có thể sẽ không còn khả năng cung cấp trang thiết bị 5G từ năm tới".

Trong khi đó, Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, nhận định Huawei đang đối mặt với tương lai đầy bất ổn khi bị "đánh" cả về phần cứng và phần mềm.

Còn theo dự báo của Omedia, số lượng điện thoại thông minh bán trên toàn cầu của Huawei sẽ giảm khoảng 20%, xuống còn 196 triệu chiếc trong năm nay và giảm tiếp xuống còn 147 triệu thiết bị cầm tay vào năm sau do những thách thức ở thị trường nước ngoài trong bối cảnh bị chính quyền Tổng thống Donald Trump kiềm chế.
 
Bài viết liên quan
Bên trên